Ứng dụng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam: Cửa đã mở?

Năm 2015, Việt Nam dự kiến đưa ngô biến đổi gen vào sản xuất trên đồng ruộng. Nhiều năm qua cũng đã có nhiều ý kiến nghi ngại xung quanh vấn đề này nhưng thực tế phát triển của cây trồng biến đổi gen trên thế giới cho thấy chúng ta cần có một đánh giá nghiêm túc để tìm ra hướng đi phù hợp, giúp nông dân được tiếp cận với công nghệ mới.
Ứng dụng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam: Cửa đã mở?

Đã có 1,8 tỷ hecta cây biến đổi gen được thu hoạch

Phát biểu tại hội thảo Triển vọng cây trồng công nghệ sinh học toàn cầu năm 2014, ông Clive James, người sáng lập và là Chủ tịch danh dự Tổ chức quốc tế về  tiếp  thu các  ứng  dụng  công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), có 10 điểm nổi bật của cây trồng biển đổi gen trong năm 2014.

Thứ nhất, năm 2014 là năm thứ 19, các loại cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) được đưa ra thương mại hóa thành công. Kể từ khi cây trồng biến đổi gen đầu tiên được canh tác năm 1996 đến nay, tổng diện tích lũy kế chưa từng có là hơn  1,8 tỷ hecta (hơn 4 tỷ mẫu cho năm đầu tiên) đã được thu hoạch. Năm 2014, cây trồng CNSH được canh tác tại 28 nước và tổng diện tích tăng lên hơn 100 lần, từ 1,7 triệu hecta (năm 1996) lên 181,5 triệu hecta (năm 2014), tăng 6,3 triệu hecta so với mức  tăng  5,0   triệu   hecta  vào  năm  2013. Tăng trưởng gấp 100 lần đưa cây trồng CNSH trở thành công nghệ được ứng dụng nhanh nhất hiện nay.

 

Ruộng bắp biến đổi gen được trồng khảo nghiệm trên diện hẹp tại Bà Rịa- Vũng Tàu vào năm 2011. (Ảnh: www.thesaigontimes.vn)

 

Thứ 2, 18 triệu nông dân, trong đó 90% là các tiểu nông nghèo, canh tác một mức kỷ lục 181 triệu hecta cây trồng CNSH tại 28 quốc gia. Khoảng 7,1 triệu hộ tiểu nông ở Trung Quốc và 7,7 triệu hộ ở Ấn Độ đã chọn canh tác trên 15 triệu  hecta bông Bt năm 2014. Ở Philippines, 415.000 hộ tiểu nông được hưởng những lợi ích từ ngô CNSH.

Thứ 3, sự quyết tâm cao của chính phủ đã giúp Bangladesh lần đầu tiên thương mại hóa Cà tím Bt. Đặc biệt, Bangladesh đã phê chuẩn giống cà tím Bt trong thời gian ngắn kỷ lục –  gần 100 ngày sau khi phê chuẩn – các hộ nông dân nhỏ đã bắt đầu canh tác cà tím Bt vào ngày 22/1/2014. 

Thứ 4, Một số cây trồng CNSH “mới” đã được phê chuẩn để đưa vào canh tác, bao gồm các cây lương thực – khoai tây ở Mỹ và cà tím ở Bangladesh. Năm 2014, Mỹ thông qua hai loại cây trồng CNSH “mới” để đưa vào canh tác là khoai tây InnateTM, cây lương thực. Indonesia đã phê chuẩn sự kiện mía chịu hạn.  Brazil  phê chuẩn  sự   kiện  CultivanceTM,   một   loại  đậu  nành  HT và đậu kháng virus trồng trong nhà, sẵn sàng để trồng vào năm 2016.

Thứ 5, Hoa Kỳ tiếp tục là quốc gia dẫn  đầu với  73,1 triệu hecta (40% thế  giới) với   tỷ  lệ  áp   dụng  hơn  90% cho những cây trồng chính bao gồm ngô (93% áp dụng), đậu tương (94%) và bông (96%). Brazil xếp vị trí thứ hai, tiếp theo là Argentina, Ấn Độ và Canada. Năm 2014, mỗi quốc gia trong năm quốc gia  hàng đầu đã trồng trên 10 triệu hecta cây biến đổi gen.

Thứ 6, ngô chịu hạn đầu tiên được trồng ở Hoa Kỳ năm 2013 tăng hơn 5 lần trong năm 2014, từ 50.000ha lên 275.000ha

Thứ 7, Cây trồng CNSH tiếp tục tăng trưởng ở châu Phi. Sudan tăng diện tích bông Bt khoảng 50%. Bảy quốc gia khác (Cameroon, Ai Cập, Ghana, Kenya, Malawi, Nigeria và Uganda) đã tiến hành trồng thử nghiệm trên đồng ruộng, bước cuối cùng trước khi đưa vào thương mại hóa.

Thứ 8, năm  nước  châu  Âu  đã   tiếp tục trồng 143.016ha cây biến đổi gen. Tây Ban Nha dẫn đầu với 131.538ha ngô Bt.

Thứ 9, phân tích tổng hợp toàn cầu của 147 nghiên cứu trong 20 năm vừa qua xác nhận rằng “áp dụng công nghệ GM trung bình đã giảm 37% việc sử dụng phân bón hóa học, sản lượng cây trồng tăng lên 22%, và lợi nhuận của người nông dân tăng lên 68%. Cây trồng CNSH là rất cần thiết nhưng không phải là giải pháp duy nhất và việc tuân thủ các tập quán thực hành nông nghiệp tốt như luân canh và quản lý tính kháng, là điều cần thiết cho cây trồng CNSH cũng giống như đối với cây trồng truyền thống.

Thứ 10, nhiều sản phẩm cây trồng CNSH mới có thể được đưa vào canh tác nhanh hay chậm hơn tùy thuộc vào việc phê duyệt các quy định đối với canh tác và nhập khẩu. Hiện đã có một danh sách hơn 70 sản phẩm tiềm năng, gồm hàng loạt những cây trồng và tính trạng mới cũng như những sản phẩm đa chức năng kháng với các côn trùng gây hại và chống chịu thuốc trừ cỏ…

Việt Nam, cánh cửa đã mở

Năm 2014, với việc Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức công bố cấp phê duyệt 4 sự kiện ngô biến đổi gen (Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034, NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam - Monsanto) đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1836/QĐ-BTNMT cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho ngô biến đổi gen mang sự kiện MON 89034 kháng sâu bộ cánh vảy của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt lịch sử trong việc áp dụng công nghệ sinh học Việt Nam, mở ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo đánh giá, quyết định phê duyệt các sự kiện biến đổi gen lần này là  bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020, trong đó chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ được xem là điều kiện kiên quyết giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp trong nước và tạo cơ hội cho nông dân sớm tiếp cận tiến bộ khoa học hàng đầu thế giới. 

Giấy chứng nhận an toàn sinh học được Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định ban hành sau quá trình đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, khoa học của Tổ chuyên gia và Hội đồng an toàn sinh học theo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định tại các văn bản quản lý nhà nước về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Quy trình thẩm định này cũng tuân thủ các chuẩn mực về đánh giá hồ sơ và chứng nhận an toàn sinh học đã được tiến hành trên thế giới. 
Trong nội dung Giấy chứng nhận an toàn sinh học được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho ngô biến đổi gen mang sự kiện MON 89034 yêu cầu Công ty TNHH Dekalb Việt Nam phải tổ chức quản lý, giám sát an toàn sinh học và định kỳ 01 lần/năm báo cáo bằng văn bản tới Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời khi xuất hiện các thông tin khoa học mới về rủi ro, tác động bất lợi hoặc khi xảy ra sự cố đối với môi trường và đa dạng sinh học của ngô biến đổi gen mang sự kiện MON 89034 tại Việt Nam, cần kịp thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị quản lý có liên quan và khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục các sự cố xảy ra.

Với Quyết định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường và giấy xác nhận các sự kiện ngô biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hiện thực hóa tầm nhìn ứng dụng công nghệ và đưa cây trồng biến đổi gen vào thực tế sản xuất tại đồng ruộng vào năm 2015, đồng thời mở cánh cửa lớn cho người nông dân có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới.

Trao đổi với báo giới bên hành lang hội nghị Triển vọng cây trồng công nghệ sinh học toàn cầu năm 2014, GS.TS.Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp nhấn mạnh, ứng dụng cây trồng biến đổi gen không phải chỉ có hướng đến mục đích nâng cao năng suất mà điều quan trọng hơn là tìm ra những giống cây mới có khả năng kháng sâu bệnh, từ đó giảm chi phí dùng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường.

Hy vọng, trong thời gian tới, khi giống ngô biến đổi gen đã được cấp phép đủ điều kiện gieo trồng rộng rãi, sẽ góp phần giúp nước ta chủ động hơn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện còn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ nước ngoài. 

Anh Thơ
nguồn: khinhtenongthon.com.vn