Ứng dụng công nghệ mới: Giải pháp phát triển thủy sản bền vững
- Thứ ba - 21/11/2017 22:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều thách thức
Tại huyện Ba Vì, HTX Dịch vụ kỹ thuật và chăn nuôi thủy sản Tân Đô (HTX Tân Đô) hiện là một trong những cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) có quy mô lớn nhất, với diện tích mặt nước lên tới 15ha. Tuy nhiên, việc NTTS chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền thống nên sản lượng hàng năm chỉ đạt từ 5 - 7 tấn/ha. Giám đốc HTX Tân Đô Nguyễn Văn Hải cho biết, cùng với giá cả thị trường biến động, thu nhập từ NTTS mới đạt khoảng 40 triệu đồng/ha.
Cùng chung nỗi trăn trở, Giám đốc HTX NTTS Giới Hiện (huyện Thường Tín) Phạm Văn Hiện cho rằng, nguồn giống thiếu ổn định, chưa được truy suất nguồn gốc đang khiến chất lượng thủy sản không đồng đều. Việc thu hoạch thủy sản cũng không tập trung, lại dễ bị thương lái "ép giá", ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế.
Cùng chung nỗi trăn trở, Giám đốc HTX NTTS Giới Hiện (huyện Thường Tín) Phạm Văn Hiện cho rằng, nguồn giống thiếu ổn định, chưa được truy suất nguồn gốc đang khiến chất lượng thủy sản không đồng đều. Việc thu hoạch thủy sản cũng không tập trung, lại dễ bị thương lái "ép giá", ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế.
Có cơ chế hỗ trợ kịp thời
Để đáp ứng nhu cầu về sản lượng và chất lượng thủy sản hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong NTTS được xem là giải pháp cần được chú trọng. Thực tế những năm qua, nhiều mô hình NTTS theo hướng bền vững đã được triển khai trên địa bàn Hà Nội. Điển hình, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thí điểm NTTS theo hướng an toàn sinh học ứng dụng công nghệ Biofloc, được thực hiện tại 4 vùng sinh thái của TP cho năng suất trung bình lên tới 20 tấn/ha (cao hơn 2 lần so với cách thức nuôi truyền thống). Qua đó, giúp tăng giá trị kinh tế trên 30% cho người nuôi. Một số mô hình NTTS tiên tiến khác như: Hệ thống nuôi cá sông trong ao (IPRS), quy trình nuôi ghép cá rô phi - trắm - chép theo hướng an toàn sinh học, mô hình nuôi cá 3C (giống sạch - nguồn nước sạch - môi trường nuôi sạch)… cũng mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời giảm nguy cơ mất VSATTP và ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả thấy rõ, tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng công nghệ vào NTTS đòi hỏi nguồn vốn lớn. Theo Giám đốc HTX NTTS Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) Ngô Văn Hải, đối với công nghệ Biofloc, chi phí đầu tư lên tới 70 triệu đồng/ha. Do đó, để các hộ mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ vào NTTS, cần có cơ chế hỗ trợ về vốn và đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng "được mùa mất giá".
Để phát triển bền vững ngành NTTS, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, cần có sự kết hợp hài hòa 3 mặt tăng trưởng: Kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng những vùng NTTS tập trung theo quy hoạch. Phát triển các cơ sở sản xuất giống nhằm tạo thêm nhiều chủng giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hỗ trợ ứng dụng GAP/BMP trong NTTS nhằm quản lý hiệu quả chất lượng nguồn nước, phòng chống dịch bệnh. Theo bà Hương, cùng với từng bước xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các vùng NTTS, việc đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản cũng là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng VSATTP đang rất nóng hiện nay.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 21.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS), với sản lượng hàng năm trên 110.000 tấn. Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ cho người dân Thủ đô. |
Nguồn; kinhtedothi.vn