Ứng dụng công nghệ viễn thám dự báo sản lượng lúa

Ứng dụng công nghệ viễn thám dự báo sản lượng lúa
Khả năng dự đoán sản lượng lúa, kiểm soát tàu đánh cá trên biển, giám sát lũ lụt và thảm họa thiên tai... là ưu điểm cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này, đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo về Ứng dụng công nghệ viễn thám trong nông nghiệp, tổ chức tại Hà Nội ngày 30-7.
Theo Vụ Khoa học- Công nghệ và môi trường (Bộ NNPTNT), thời gian qua ngành NNPTNT nước ta đã dùng công nghệ viễn thám để xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) như: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc…

Bằng phương pháp sử dụng ảnh vệ tinh SPOT4 và SPOT5, các cơ quan quản lý đã theo dõi sản xuất lúa ĐBSH từ năm 2012 đến nay, sử dụng ảnh vệ tinh MODIS để dự báo năng suất, ước tính sản lượng, theo dõi sinh trưởng của lúa, theo dõi tình trạng khô hạn, ngập úng...

Ngoài ra, hệ thống Webgis và viễn thám quản lý sản xuất lúa khu vực ĐBSCL cũng đã sử dụng ảnh MODIS để theo dõi sản xuất lúa, tạo thành nguồn dữ liệu đầu vào độc lập cho hệ thống thông tin, sử dụng phép phân tích dữ liệu không gian và thời gian để xác định thời điểm xuống giống, tiến độ xuống giống.

Công nghệ này cũng dùng xác định giai đoạn sinh trưởng của lúa trên ruộng, trên cơ sở đó xây dựng bản đồ hiện trạng lúa thống kê diện tích lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, tính toán tiến độ thu hoạch lúa; tính toán diện tích gieo cấy cho từng xã, từng huyện, từng tỉnh và dự báo năng suất…

Công nghệ viễn thám cũng được nước ta sử dụng cho chương trình điều tra tài nguyên rừng vùng Tây Nguyên; cảnh báo cháy rừng cho các tỉnh Lào Cai, Hải Phòng (Cát Bà), Phú Yên và Quảng Ninh (2011, 2012, 2013-2015); lập mô hình phân tích điểm nóng (hot spots) để cảnh báo và phát hiện cháy rừng...

Theo Bộ NNPTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong nông nghiệp ở nước ta còn gặp những khó khăn như nhân lực trình độ cao, trang thiết bị còn thiếu và không đồng bộ; phần mềm sử dụng chưa có bản quyền không đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám ở trình độ cao; chưa có cơ quan đầu mối để có thể trao đổi ảnh sử dụng cho các chuyên ngành khác nhau...

Do đó nhiều chương trình phải tốn kinh phí, thời gian cho việc mua, xử lý ảnh trùng lặp…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, hàng năm có rất nhiều cơn bão đổ bộ vào nước ta…

Vì thế, việc áp dụng công nghệ viễn thám vào quy hoạch và điều hành sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu cần được đẩy mạnh ngay từ bây giờ.

Hiện nay, khoa học ứng dụng cho lĩnh vực này ngày càng phát triển, đến năm 2017 vệ tinh H của Việt Nam cũng sẽ bắt đầu cung cấp ảnh phục vụ phát triển kinh tế, thương mại và tạo điều kiện để ứng dụng vào phát triển nông nghiệp.

 

Theo Báo An Giang Online