Ứng dụng máy cho tôm ăn
- Chủ nhật - 28/05/2017 05:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống ao đang trong quá trình tu bổ, cải tạo chuẩn bị cho vụ nuôi mới, ông Đỗ Văn Oanh, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên (một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình ứng dụng máy cho ăn trong nuôi tôm thâm canh) cho biết, trước kia gia đình ông nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh và bán thâm canh vừa lấy giống tự nhiên vừa thả nuôi các đối tượng truyền thống (như tôm thẻ chân trắng, rô phi...); thời gian nuôi thường kéo dài, khó quản lý; lợi nhuận thu lại trên cùng đơn vị diện tích mặt nước không cao. Để quản lý tốt quá trình nuôi, giảm thiểu dịch bệnh, tăng năng suất nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế; ông Oanh đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình ứng dụng máy cho ăn trong nuôi tôm thâm canh của Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh. Các hộ tham gia được nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua máy, tập huấn chuyển giao kỹ thuật lắp đặt, vận hành bảo dưỡng dàn máy cho tôm ăn cùng kỹ thuật nuôi và chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi. Trung tâm cũng cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo sát mô hình để chỉ đạo kỹ thuật, hướng dẫn hộ dân sử dụng, bảo dưỡng máy trong quá trình thực hiện.
Mặc dù, khi bắt tay vào thực hiện mô hình, ông Oanh chưa có kinh nghiệm nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, tuân thủ chặt chẽ quy trình; sau 5 tháng nuôi, từ kết quả theo dõi so sánh trên cùng diện tích tương tự 1 ha (3 ao) có sử dụng và không sử dụng máy cho ăn cho thấy, cho ăn bằng máy làm giảm chi phí nuôi tôm. Cụ thể, nếu cho ăn thủ công thông thường hệ số thức ăn là 1:3 và mất ba nhân công để chăm sóc ao nuôi (1 ha), sau khi thu hoạch, tính ra, chi phí sản xuất cho 1 kg tôm là 75.000 đồng. Nhưng khi sử dụng máy cho tôm ăn thì hệ số thức ăn là 1:1, chỉ cần 1 nhân công cho tôm ăn, chi phí sản xuất là 69.000 đồng, trong khi sản lượng tôm như nhau.
Ông Nguyễn Chí Thành, Trạm trưởng Trạm Thực hành Chuyển giao kỹ thuật Khuyến ngư đánh giá, dù còn một số hạn chế, nhưng việc ứng dụng dàn máy cho tôm ăn trong nuôi tôm thâm canh đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm gần 20% chi phí đầu tư; không chỉ giảm chi phí nhân công mà còn giảm được hệ số thức ăn, từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh. Mô hình thực hiện thành công đã thúc đẩy người dân ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và sản lượng trên một đơn vị diện tích nuôi, cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Để mô hình có thể nhân rộng trên địa bàn thị xã Quảng Yên cũng như các địa phương nuôi tôm khác trên toàn tỉnh, cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền, nhân rộng hơn nữa.
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn