Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, người trồng vú sữa thu lãi cao

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, người trồng vú sữa thu lãi cao
Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây với khá nhiều loại trái cây ngon như: sơ ri Gò Công, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, chôm chôm Cai Lậy, vú sữa Châu Thành. Nhờ lợi thế nằm cặp sông Tiền, phù sa bồi đắp nên cây vú sữa ở đây cho trái ngon, giúp nhà vườn từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Ở ấp Phú Long, xã Phú Phong (huyện Châu Thành) có nhiều nông dân trồng vú sữa mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu nhưanh Nguyễn Ngọc Ảnh - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Với 20 công (1 công = 1.000m2) đất trồng cây ăn trái (trong đó có 11 công trồng vú sữa Lò Rèn, 4 công trồng vú sữa tím), anh có thu trên 400 triệu đồng/năm. Trong năm ba năm trở lại đây, vú sữa tím cho trái sớm nên bán được giá cao, từ 450.000 - 500.000 đồng/chục (14 trái).

Anh Ảnh chia sẻ: “Gần đây, nhờ tham gia sản xuất theo quy trình GlobalGAP, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn như: vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán, khống chế chiều cao, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên vườn vú sữa của tôi luôn cho năng suất cao”.

Đến nay, anh Ảnh đã 7 lần đoạt giải tại các cuộc thi trái cây ngon. Ngoài ra, anh còn được nhận Giấy khen của Cục Trồng trọt, Giấy khen “Nông dân sáng tạo khu vực ĐBSCL” và giải khuyến khích của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về trái ngon ĐBSCL. Nhờ có thu nhập cao từ vú sữa nên anh Ảnh đã đóng góp 60 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn.

Ông Trần Văn Rép cũng là nông dân trồng vú sữa khá hiệu quả ở ấp Phú Long. Với 5 công vú sữa trồng xen măng cụt, xoài, ông có thu nhập khoảng 180 triệu đồng/năm. Điều vinh dự là, ông đã được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tặng 2 Giấy khen.

Anh Lê Ngọc Thắng cũng tham gia trồng vú sữa theo quy trình GlobalGap với diện tích 4 công. Mỗi năm, anh thu 10 - 11 tấn trái, lãi 150-170 triệu đồng.

Ông Trần Văn Hậu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành cho biết, thực hiện dự án phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim do Sở KHoa học - Công nghệ tỉnh làm chủ đầu tư, hằng năm huyện đều giao chỉ tiêu cho 12 xã nằm cặp sông Tiền trồng mới từ 300 - 400ha. “Theo kế hoạch thì từ nay đến năm 2015, tổng diện tích cây vú sữa trên địa bàn huyện đạt 5.000ha. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nhà vườn chăm sóc đúng quy trình, để nâng cao chất lượng trái vú sữa, hướng đến xuất khẩu”, ông Hậu chia sẻ.

Anh Tuấn

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn