Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về phát triển Chính phủ điện tử

Theo báo cáo xếp hạng mới nhất của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử (CPĐT), thứ bậc của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, khi từ vị trí thứ 90 năm 2010, tiến lên vị trí thứ 83 năm 2012, và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, Malaysia và Brunei.
Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về phát triển Chính phủ điện tử

Đây là thông tin được công bố trong Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 10 năm 2012 do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức trong 2 ngày 20 và 21/7/2012 tại Hà Nội.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG Asean cho biết, Việt Nam đã tiến lên vị 83 trên thế giới năm 2012 và đứng thứ 4 trong khu vực Asean về phát triển CPĐT, vượt lên trên một số nước cũng có chỉ số mạnh như Thailand, Philipine và Indonesia.


“Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc phát triểnCPĐT tại Việt Nam đang ngày càng khởi sắc, sớm khẳng định Việt Nam là quốc gia mạnh về CNTT trong tương lai không xa”, ông Tâm khẳng định.


Cũng theo ông Tâm, phần lớn các chỉ số đánh giá của Việt Nam đều đạt cao hơn so với mức trung bình của thế giới cũng như trong khu vực, nổi bật là chỉ số về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, hay chỉ số CPĐT.

Năm 2012 tiếp tục đánh dấu sự phát triển ứng dụng CNTT vào các hoạt động hành chính cũng như xây dựng CPĐT tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các con số khá ấn tượng như 96,6% các bộ ngành có website riêng, 100% các tỉnh, thành phố có cổng thông tin điện tử, 83,6% các thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng (theo báo cáo của IDG về CPĐT năm 2012).

Đồng thời, Chính phủ cũng đã đưa ra các mục tiêu cho giai đoạn 2011-2015 về CPĐT, hướng tới bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên quy mô quốc gia, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia, hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành quy mô quốc gia thiết yếu, phục vụ cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả, định hướng đồng bộ và thống nhất việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước.

 

Để việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước tốt hơn, ngoài việc xây dựng, nâng cao hệ thống thông tin quốc gia thì việc cải cách hành chính công hướng tới nền hành chính phục vụ cũng rất quan trọng.

 

Theo TS. Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, để đạt được tỷ lệ 60% người dân hài lòng với các dịch vụ công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế là một thách thức.


Theo TS. Hòa hiện nay đã là năm 2012 liệu có đạt được 20 - 25% người dân hài lòng với các dịch vụ công do các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, giáo dục cung cấp.


Theo Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/11/2011, 1 trong 3 trọng tâm cải cách cả giai đoạn 10 năm là chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ sự nghiệp công. Nền hành chính có được cải cách theo hướng phục vụ hay không suy cho cùng được thể hiện ở chất lượng các dịch vụ mà cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp cho người dân, tổ chức.


Theo đó, các chỉ tiêu quan trọng theo hướng này đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đã được xác định, bao gồm: Đến năm 2015, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 60% vào năm 2015;


Đến năm 2020, sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80%;


Chỉ đạo nghiên cứu vấn đề đánh giá mức độ hài lòng đối với dịch vụ công, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu làm thế nào để xác định mức độ hài lòng của người dân như phải nghiên cứu một phần mềm để biết, tiến tới xây dựng và hình thành hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung cấp dịch vụ công, đưa kết quả phát triển và ứng dụng CNTT&TT trở thành một tiêu chí thi đua.