Vụ xuân 2020 “nghiêng ấm”, Hà Tĩnh tăng tỷ lệ giống chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu
- Thứ tư - 04/12/2019 08:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hà Tĩnh quyết tâm đạt 38 vạn tấn lượng thực trong vụ xuân 2020.
Theo dự báo thời tiết, sản xuất vụ xuân 2020 “nghiêng về ấm” nhưng xen kẽ là rét đậm, rét hại kéo dài 5 – 10 ngày. Trong năm 2020 có nhuần 2 tháng 4 âm lịch nên nguy cơ vụ xuân bị ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc cuối vụ cao. Bởi vậy, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng hợp lý để giành vụ xuân thắng lợi.
Mực nước tại các hồ đập trên địa bàn cơ bản đủ tưới cho sản xuất vụ xuân 2020
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: Mực nước tại các hồ đập trên địa bàn khá dồi dào, đủ tưới cho hơn 9.500 ha lúa vụ xuân của huyện. Tuy nhiên, thời tiết cực đoạn, khó lường cùng với tâm lý người dân triển khai vụ xuân trước Tết Nguyên đán ảnh hưởng đến lịch thời vụ của một số vùng. Để khắc phục tình trạng trên, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ.
Theo đó, căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống lúa để gieo cấy trong khung thời vụ phù hợp từ 17/1 - 7/2/2020. Đối với cây lạc, tranh thủ đất đủ ẩm, trời ấm gieo xung quanh tiết Lập Xuân bắt đầu từ ngày 4/2 - 15/2/2020; cây ngô gieo trồng từ ngày 15/1 -15/2/2020; cây đậu gieo từ sau 25/2 đến 10/3/2020; rau các loại tranh thủ gieo trồng khi có quỹ đất và điều kiện thời tiết thuận lợi.
Vụ xuân 2020, Hà Tĩnh tăng tỷ lệ giống chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vụ xuân 2020, huyện Đức Thọ phấn đấu gieo trỉa 8.767 ha các loại cây trồng, sản lượng đạt 47.266 tấn. Với mục tiêu trên, huyện đặc biệt quan tâm đến bố trí cơ cấu bộ giống, thời vụ cho từng vùng sản xuất. Theo đó, sản xuất vụ xuân được chia thành 4 vùng, cụ thể: vùng Thượng Đức - trà sơn; các xã vùng lúa; vùng thị trấn và ven thị trấn; vùng ven đê và ngoài đê.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ Nghiêm Sỹ Đông cho biết: Vụ xuân là vụ sản xuất chính trong năm nên huyện đặc biệt coi trọng đến cơ cấu bộ giống (mỗi xã bố trí sản xuất 2 - 3 loại giống, mỗi cánh đồng bố trí sản xuất 1 - 2 loại giống).
Tranh thủ đất đủ ẩm, trời ấm để gieo lạc khi tiết lập xuân và kết thúc gieo trước ngày 15/2/2020
“Ngoài 7 loại giống lúa chủ lực: nếp 98, P6, BT7, Thái Xuyên 111, Bắc Hương 9, TBR279, BQ, huyện mạnh dạn sản xuất thử các giống ADI 168, Gia Lộc 555, Thái bắc 1798. Mặt khác, triển khai xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa thương phẩm với tổng diện tích khoảng 1.043 ha (quy mô tối thiểu 50 ha) và xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống với tổng diện tích 85 ha (quy mô tối thiểu 5 ha/vùng)” - ông Đông cho biết thêm.
Theo quan điểm của tỉnh, vụ xuân 2020 phải tuân thủ lịch thời vụ, tăng tỷ lệ giống chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu để phấn đấu đạt tổng sản lượng trên 38 vạn tấn lương thực có hạt, trong đó, 320.900 tấn lúa, 16.562 tấn ngô lấy hạt; 46.500 tấn ngô sinh khối. Ngoài ra, 32.219 tấn lạc; 14.504 tấn khoai lang và rau đậu thực phẩm các loại 39.827 tấn.
Sử dụng giống ngô chất lượng để nâng cao năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng: Đối với giống lúa vụ xuân 2020, cần chú trọng tỷ lệ các giống năng suất, chất lượng để tăng giá trị hàng hóa, góp phần nâng cao chỉ số tăng trưởng; tuy nhiên, không cơ cấu 1 giống quá 30% diện tích gieo, cấy.
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống để bắc mạ trong khung thời vụ phù hợp từ 15/12/2019 – 31/1/2020. Trước dự báo rét đậm, rét hại, ngành khuyến cáo 100% diện tích bắc mạ phải được phủ nilon đúng kỹ thuật để chống rét; vùng chủ động thủy lợi thời vụ gieo thẳng chậm hơn so với thời vụ bắc mạ 5 – 7 ngày.
Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật phủ nilon trên lạc, tận dụng tối đa quỹ đất để gieo trỉa ngô, bố trí trồng xen với đậu, lạc. Đối với rau, củ, quả... thì tập trung sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế, khí hậu phù hợp của từng vùng và nhu cầu thị trường... nhưng sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm....
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn