Xây dựng cánh đồng mẫu lớn: Những vấn đề đặt ra

Với mục tiêu tăng năng suất, sản lượng lương thực, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vụ chiêm xuân 2012-2013, Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức triển khai xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các huyện: Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ. Bước đầu mô hình này đã thể hiện được tính ưu việt. Tuy nhiên, để xây dựng cánh đồng mẫu lớn một cách bền vững còn nhiều vấn đề đặt ra.

 

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở xã Thượng Nông (Tam Nông).
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở
xã Thượng Nông (Tam Nông).

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Chúng tôi có dịp đến xã Thượng Nông (Tam Nông) để tận mắt chiêm ngưỡng cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, trải rộng một màu xanh mơn mởn của cây lúa đang thì “con gái”. Điều khiến bất cứ ai qua đây cùng dễ dàng nhận thấy chỉ cách một con kênh nhưng 2 cánh đồng khác hẳn nhau. “Cánh đồng mẫu lớn” lúa mọc đều tăm tắp, không “xôi đỗ” như cánh đồng bên cạnh. Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thượng Nông cho biết: “UBND xã giao cho HTX nông nghiệp và tổ khuyến nông cơ sở trực tiếp lội ruộng kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bà con  nông dân từ khâu làm đất, gieo cấy và chăm sóc lúa. Trên toàn cánh đồng 20 ha này chỉ gieo cấy một giống lúa HT1 và tiến hành gieo mạ đồng loạt trong cùng một ngày, cấy đồng loạt trong 1, 2 ngày, vì vậy trên cánh đồng không còn tình trạng “áo vá” như trước. Do được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, bón phân đủ lượng, đúng thời điểm nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy bà con nông dân rất phấn khởi. Điều quan trọng hơn nữa mô hình cánh đồng mẫu lớn với cùng giống lúa chất lượng cao này tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm của bà con sẽ đáp ứng được nhu cầu thu mua  của các doanh nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân”.

Đến mô hình cánh đồng mẫu lớn 20 ha ở xã Cao Xá (Lâm Thao) cũng vậy. Cánh đồng được sử dụng cùng một giống lúa RVT, gieo mạ cùng ngày, cấy cùng thời điểm nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Chị Lê Thị Chi ở khu Hạ Thôn phấn khởi nói: “Gia đình chị có 5 sào ruộng ở cánh đồng này, lúa tốt hơn hẳn so với những cánh đồng khác. Nhiều người đã tìm đến đặt mua sản phẩm lúa, gạo ở đây”. Ông Hà Ngọc Giang- Trạm trưởng Trạm khuyến nông Lâm Thao cho biết: “Trong cùng một diện tích lớn như vậy bà con nông dân gieo cấy đúng một giống lúa, gieo mạ, cấy, bón phân cùng thời điểm thuận lợi cho việc thu hoạch sau này. Từ đó tạo động lực để bà con nông dân có thể liên kết tạo sản phẩm đồng loạt, thuận lợi cho việc thu mua, chế biến, tích tụ được khối lượng hàng hóa lớn, tập trung”.

Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” và dồn đổi ruộng đất.

Các mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh đều có sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông. Để xây dựng được cánh đồng mẫu lớn các đơn vị của Sở Nông nghiệp và PTNT, các phòng ban chuyên môn của huyện, đặc biệt các cấp ủy đảng, chính quyền đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo, tuyên truyền phổ biến để bà con thay đổi tập quán nhỏ lẻ, manh mún, tự phát chuyển sang sản xuất tập trung theo cánh đồng mẫu lớn. Mô hình ở Lâm Thao, Tam Nông, Cẩm Khê và thị xã Phú Thọ được huyện, thị, Trung tâm khuyến nông và Công ty cổ phần supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ về giống, phân bón. Đặc biệt mô hình ở xã Lương Lỗ (Thanh Ba) với quy mô 50 ha sử dụng cùng giống lúa chất lượng cao JO2. Huyện, xã ký hợp đồng mua giống và bán sản phẩm với Công ty cổ phần Giống-Vật tư công nghệ cao Việt Nam. Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ một phần phân bón NPK. Vì vậy bà con nông dân yên tâm từ các khâu đầu vào phục vụ sản xuất  cho đến đầu ra của sản phẩm.

Xuất phát từ thực tế những nơi xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn diện tích từng thửa còn manh mún, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, cánh đồng 20 ha ở xã Cao Xá có tới 186 hộ tham gia. Trong đó có nhiều thửa ruộng chưa được một sào. Vụ chiêm xuân vừa qua xã muốn đưa máy cấy vào để giảm công lao động, giảm chi phí và cho kịp thời vụ nhưng máy cấy không thể vào được vì ruộng đất quá manh mún. Trước thực trạng như vậy xã triển khai xây dựng quy hoạch cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 70 ha gắn với việc dồn đổi ruộng đất và xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Tại cánh đồng mẫu lớn ở xã Thượng Nông cũng do ruộng đất quá manh mún, khi xây dựng cánh đồng mẫu lớn càng bộc lộ nhiều bất cập, các hộ dân đã tự dồn đổi cho nhau để thành những ô thửa lớn nhưng số đó chưa nhiều. Ông Nguyễn Hữu Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thượng Nông cho biết: Mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn triển khai ở Thượng Nông đúng thời điểm xã đang xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất, đây là vấn đề xã đặc biệt quan tâm trong quá trình chỉ đạo sản xuất. Hiện nay xã đang khẩn trương triển khai kế hoạch dồn đổi ruộng đất đến các khu dân cư để đáp ứng yêu cầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Để xây dựng cánh đồng mẫu lớn bền vững, ông Trần Tú Anh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh ta nói riêng có nhiều thuận lợi bởi có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà khoa học, doanh nghiệp. Đặc biệt bà con nông dân có bản tính  cần cù chịu khó, trình độ thâm canh cao. Hơn nữa tỉnh ta lại có bộ giống phong phú, đầu ra thuận lợi. Nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là ruộng đất manh mún (một ha bình quân có tới 25 hộ) nên việc gieo sạ, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất khó thực hiện. Trước khó khăn như vậy tỉnh vẫn xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo cách làm riêng. Bước đầu hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn hình thành những cánh đồng “liền vùng, cùng giống, cùng trà, khác chủ”. Như vậy để xây dựng cánh đồng mẫu lớn cần đầu tư cơ sở hạ tầng tốt để phục vụ cơ giới: giao thông, thủy lợi nội đồng. Các địa phương cần tích cực dồn đổi ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời cần đẩy mạnh liên kết “4 nhà” từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn một cách bền vững.   

Trịnh Hà
Theo baophutho.vn