Xây dựng một ngành nông nghiệp hiện đại
- Thứ hai - 17/06/2013 04:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 13/6, Quốc hội tiếp tục nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ. Đầu giờ buổi sáng, các ĐBQH nghe Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời 5 câu hỏi của các ĐBQH hỏi vào cuối giờ chiều hôm trước. Tiếp đó một số câu hỏi khác của ĐBQH cũng được Bộ trưởng lần lượt trả lời một cách thấu đáo.
Các ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên); Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Trương Minh Hoàng (Cà Mau); Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) chất vấn về các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy tiêu thụ, hiện đại hóa nông nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Nâng cao cạnh tranh nông sản là mục tiêu quan trọng của quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Trước hết cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất để tập trung vào những mặt hàng thế mạnh của đất nước. Đồng thời tiếp sức nông dân bằng việc tăng cường nghiên cứu và chuyển giao KHKT, nhất là về giống, xây dựng cơ sơ hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, khuyến khích phát triển, bảo quản chế biến bằng công nghệ hiện đại đem lại giá trị gia tăng cao. Tổ chức lại sản xuất để hình thành các chuỗi kết nối người sản xuất với thị trường trong và ngoài nước.
Cần đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp
ĐB Phạm Xuân Thường và Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) chất vấn về các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ nông dân thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của quốc gia. Hội nghị Trung ương 7 đã có nghị quyết và Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện có hiệu quả. Bộ đã và đang rà soát quy hoạch thủy lợi các vùng. Trong đó có việc củng cố hệ thống đê biển. Bộ cũng đã thẩm định các phương án quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều của các dòng sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình để HĐND tỉnh phê duyệt.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tiếp tục nêu câu hỏi: “Giải pháp nào để người nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu 30% như chủ trương của Chính phủ? Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chân thành, hết sức chia sẻ và rất trăn trở trước tình hình này. Chúng tôi hướng dẫn bà con tập trung vào sản xuất những cây trồng, vật nuôi có thị trường. Chỉ khi làm đúng yêu cầu thị trường thì sản phẩm làm ra mới không bị giá thấp. Bộ NN-PTNT khuyến khích nông dân hình thành các hợp tác xã, các tổ liên kết thành chuỗi sản xuất tạo ra vị thế mạnh cho nông dân trên thị trường.
Theo phản ánh của ĐB Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) thì tình hình sản xuất của đồng bào TĐC công trình thủy điện còn nhiều khó khăn. ĐB Hiền hỏi Bộ trưởng đã phối hợp với Bộ Công thương để hoàn tất chính sách đặc thù cho đồng bào TĐC như chỉ đạo của Chính phủ chưa? Vấn đề thứ hai, chúng ta có thể thu hồi một phần đất của nông trường hoang hóa, lãng phí và sử dụng không có hiệu quả, cũng như là một phần đất của vùng đệm của các rừng phòng hộ, để hỗ trợ cho người dân sản xuất không?
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết là đang soạn thảo đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới cho đồng bào TĐC và sẽ cố gắng hoàn thành từ giờ đến cuối năm.
Về vấn đề thiếu đất và thu hồi đất của các nông, lâm trường cũng như câu hỏi của ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) có liên quan đến lâm trường quốc doanh. Bộ trưởng cho biết đã hoàn tất kết quả rà soát theo NQ 28 của Bộ Chính trị và đã báo lên Ban cán sự Đảng của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, từ năm 2008 đến nay, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng trưởng khoảng 20%/năm. Trong 5 năm qua, tín dụng nông nghiệp và nông thôn đã tăng gấp 2 lần. Dư nợ tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn đến 31/12/2012 đã đạt 561.533 tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm nay, tín dụng của cả nền kinh tế chỉ tăng trưởng khoảng hơn 2%, trong khi tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn tăng xấp xỉ 5%. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát nội dung này đến cuối năm nay có thể báo cáo Quốc hội được không? Bộ trưởng nói: “Chúng tôi sẽ báo cáo”.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời 28 lượt ý kiến chất vấn của các vị ĐBQH. Chốt lại phần đăng đàn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội nói: “Bộ trưởng đã lần lượt trả lời một cách cụ thể tất cả các câu hỏi của ĐBQH. Vấn đề đặt ra là xây dựng đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì nông nghiệp cũng phải là một ngành nông nghiệp hiện đại”.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cần làm tốt công tác quy hoạch ngành để có thể phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp tốt hơn. Ngành nông nghiệp sớm trình Chính phủ chương trình tái cơ cấu tổng thể ngành để xây dựng các mô hình sản xuất. Bộ có trách nhiệm rà soát lại tất cả các cơ chế cần thiết để thắt chặt quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, áp dụng KHCN, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Cần xây dựng cho được thương hiệu và phát triển thị trường bình đẳng cạnh tranh trong nông nghiệp. Tiến tới chúng ta có nền nông nghiệp được thế giới công nhận là sản xuất tốt, sạch, sản phẩm xuất khẩu có giá trị và người tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới ưa chuộng, coi trọng, trân trọng hàng hóa Việt Nam, thương hiệu Việt Nam, chúng ta mới có thể xuất khẩu tốt được.
Nước ta chưa trồng cây biến đổi gen Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Hiện nay nước ta chưa trồng các giống cây biến đổi gen, mặc dù trên thế giới đã có 28 nước trồng khoảng 170 triệu ha rồi. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo khảo nghiệm một số giống ngô của các Cty Syngenta, Dekalb và đang làm thủ tục công nhận kết quả khảo nghiệm để làm cơ sở cho Bộ TN-MT xem xét, cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học. Chưa phát hiện nhóm lợi ích trong nông nghiệp Đó là khẳng định của Bộ trưởng Cao Đức Phát khi trả lời một câu hỏi rất thẳng thắn của ĐB Y Thông (Phú Yên). Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT kiên quyết phản đối mọi hình thức nhóm lợi ích hoạt động trái pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của nông dân. Trước mọi thông tin về lợi ích nhóm, tôi đều chỉ đạo phối hợp kiểm tra và có biện pháp ngăn ngừa. Cho tới nay chưa có cơ sở để xác định những nhóm như vậy trong lĩnh vực nông nghiệp. |
Theo nongnghiep.vn