Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản phải mang tính bền vững
- Thứ sáu - 28/11/2014 02:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xây dựng thương hiệu cho nông nghiệp phải được các doanh nghiệp chú trọng ngay từ khâu chọn giống. |
Tại Hội nghị Quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam vừa được Bộ Nông nghiệp và PNNT phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương tổ chức ngày (26/11), tại TP.HCM, ông Reindert Dekker - Chuyên gia của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển, thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan nhấn mạnh: “Cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu và xuất khẩu thô quá nhiều. Điều đó làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ như như cà phê các bạn đứng nhất nhì thế giới nhưng các bạn vẫn để cho các nước khác thâu tóm về giá, hay như mặt hàng gạo các bạn vẫn không chủ động được về giá. Do vậy, cần liên kết để tạo thế chủ động và xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh và ổn định là điều cần phải làm ngay từ lúc này”.
Theo ông Reindert Dekker, hiện, không ít người vẫn cứ nhầm tưởng rằng, gia tăng giá trị sản phẩm là bỏ nhiều phụ gia vào sản xuất rồi đẩy giá cao lên để kiếm lời. Ở các nước châu Âu, hàng hóa không đầu tư vào chất lượng và sự an toàn cho người tiêu dùng sẽ rất khó tồn tại, chứ đừng nói gì đến lợi nhuận. Bởi vì từ lâu, người châu Âu thường có quan niệm hàng giá rẻ là hàng chất lượng thấp, hàng giá cao là hàng chất lượng tốt và nếu đem đối chiếu quan niệm đó với các mặt hàng lưu hành trên thị trường thì quan niệm đó cơ bản là đúng. Tâm lý tiêu dùng, thói quen tiêu dùng đã được ăn sâu vào từng người dân, cho nên các doanh nghiệp muốn tồn tại được cũng phải thực hiện theo thói quen này. “Tôi nghĩ, đến lúc nào đó - khi mà kinh xã hội ở Việt Nam phát triển thì tâm lý này sẽ được xây dựng củng cố. Như vậy, người nông dân, các doanh nghiệp muốn thành công, ngay từ bây giờ cần phải triển khai nâng cao giá trị gia tăng bằng cách đầu tư vào sản phẩm chất lượng, an toàn”.
Ông Đàm Ngọc Năm, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, nông nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, với nhiều mặt hàng chiếm giữ vị thế cao của thế giới như điều, hồ tiêu đứng thứ nhất; gạo, cà phê đứng thứ 2. Cả nước, hiện có khoảng 6.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đang hoạt động, trong đó chế biến nông sản khoảng hơn 2.000 cơ sở, chế biến thủy sản 570 cơ sở, chế biến gỗ trên 3.000 cơ sở. Một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, điển hình là thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ…
Tuy nhiên, cũng theo ông Năm, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chẳng hạn việc triển khai thực hiện các vùng nguyên liệu tập trung mới chỉ ở bước đầu. Khó khăn lớn nhất là nguồn lực để đầu tư vào các vùng được quy hoạch, cụ thể là cơ sở hạ tầng, giống, mạng lưới bao tiêu,… Trong khi đó, công nghiệp chế biến sâu tuy đã được hình thành nhưng chưa phổ biến, tỷ lệ số cơ sở tham gia chế biến sử dụng công nghệ hiện đại còn thấp. Các doanh nghiệp Việt Nam do khó khăn về năng lực tài chính nên ít có khả năng đầu tư trang thiết bị đồng bộ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương cho rằng, với nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, nền nông nghiệp nước ta đang chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế, và cả trong đời sống của đại bộ phận người dân nông thôn. Xác định được điều này, Bộ Công thương luôn có nhiều hoạt động phối hợp để đưa hàng nông sản của Việt Nam đến với thị trường thế giới như: xúc tiến thương mại, tham gia xây dựng thương hiệu quốc gia, cải cách các thủ tục nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa. Ông Linh đề nghị, đối với nhà sản xuất, các doanh nghiệp cần phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất nguồn nguyên liệu và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo dựng cho mình thương hiệu thì sản phẩm của nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững được.
Ở một góc nhìn khác, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực TP.HCM cho rằng, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp thực phẩm là hết sức quan trọng nhằm hỗ trợ đầu ra cho ngành nguyên liệu thực phẩm, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, tập quán của từng thị trường. Xây dựng thương hiệu kết hợp với tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết hợp với xây dựng và hoàn thiện các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Được biết, Cục Xúc tiến Thương mai – Bộ Công thương đang có chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường cùng với đoàn giao dịch thương mại và khảo sát Hội chợ thực phẩm mùa đông Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 10 – 18 tháng 01 năm 2015 tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sẽ được hỗ trợ vé máy bay trị giá 25.000,000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng). Để biết thông tin chi tiết, các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn