Xem lợn gắn chíp

Xem lợn gắn chíp
Song song với hệ thống đọc chip qua ăn, uống còn có máy dọc chíp cầm tay. Chỉ tít một tiếng là mọi dữ liệu về con lợn cứ thế mà thông thốc hiện lên màn hình.
Lợn xếp hàng vào khay ăn

Con lợn điềm nhiên tiến đến trước khay chứa cám xục mõm vào ăn mà không hề biết rằng mình đang bị “do thám” một cách bí mật với hàng loạt những chỉ tiêu như tăng trọng, tiêu tốn thức ăn, khối lượng, nhiệt độ cơ thể…

Trước đây muốn kiểm tra các chỉ tiêu như tăng trọng, tiêu tốn thức ăn, khối lượng cơ thể để so sánh nhóm giống, nhóm thức ăn cho lợn rất khó khăn. Phải mất một tuần, một tháng hoặc kết thúc một giai đoạn người quản lý trại mới tiến hành bắt và cân được.

Lợn bé cân còn đơn giản nhưng khi nặng cả tạ thì mọi việc trở nên vô cùng phức tạp. Chúng chạy, chúng vùng vằng, chúng giãy giụa. Mấy người xúm vào cùng bắt mà có khi phân, nước giải vấy bắn đầy người.

Bắt một con đã khó, bắt cả đàn quả là một cực hình. Để cân được 100 con lợn trong một trại phải mất 2 - 3 ngày làm việc liên tục với cả nhóm hùng hậu 4 - 5 người vừa bắt trói vừa đọc cân.

Vất vả cho người quản lý, gây stress cho đàn lợn, ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng đã đành việc bắt lợn lên cân lúc đang giãy giụa còn ảnh hưởng đến tính chính xác của các thông số đo lường.

Kết quả có được cũng chỉ là dữ liệu thô, phải mất thời gian phân tích, tính toán. Thường thì chỉ tiêu tiêu tốn thức ăn, tăng trọng hàng ngày của đàn lợn phải đợi đến lúc kết thúc quá trình nuôi mới đánh giá được.

Mọi việc trở nên vô cùng nhàn nhã kể từ ngày con lợn được gắn chíp vào giữa năm 2014. KS. Vương Ngọc Văn, Trại Khảo nghiệm giống và thức ăn chăn nuôi, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (trụ sở tại Bắc Ninh) cho hay, hiện toàn bộ lợn trong đơn vị đã được gắn chíp từ lúc cai sữa (3 tuần tuổi).

Tôi tò mò quan sát cái chíp, một vật thể tròn tròn được bọc nhựa gồm hai phần lõi và đế bấm để đính vào tai lợn. Chíp hiểu đơn giản như một cái thẻ từ nhưng chịu được nước để lợn có thể tắm táp, vầy vò thoải mái.

dsc-0124094415204
Con chíp để gắn vào tai lợn

“Đánh” vào tính ham ăn, ham uống của loài lợn, người Trung Quốc đã sáng tạo ra một hệ thống máy móc tuyệt vời, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Thứ nhất phải kể đến là hệ thống lồng cân tự động gồm thùng chứa thức ăn, máng cám, đầu đọc thẻ chíp, cảm biến nhiệt độ và một bộ óc điện tử.

Thứ hai là hệ thống uống nước gồm cân nước, đầu đọc thẻ và bộ óc điện tử. Lợn với chíp gắn trên tai khi đi vào hai hệ thống này để ăn, để uống sẽ bị ghi nhận lại tất cả những thông số.

Những thiết bị này được kết nối với bộ điều khiển trung tâm. Bộ điều khiển trung tâm lại được kết nối với máy tính hoặc điện thoại thông minh của những người quản lý để có thể kiểm tra các thông số từ bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào. Ngoài đọc những thông số, khi lợn ốm, thiết bị cảm biến nhiệt độ cho thấy điều bất thường sẽ có cảnh báo.

Song song với hệ thống đọc chip qua ăn, uống còn có máy dọc chíp cầm tay. Chỉ tít một tiếng là mọi dữ liệu về con lợn cứ thế mà thông thốc hiện lên màn hình. Mỗi con lợn một mã số với đầy đủ dữ liệu tựa như "giấy khai sinh điện tử".

dsc-0111094415716
Lợn được gắn chíp ở tai

Cái kìm đặc biệt được ấn xuống tai để cố định chíp khiến con vật éc lên một tiếng theo phản xạ rồi khi thả xuống là chạy nhảy, ngoáy đuôi, dũi cám ngay vì không bị chảy máu. Chíp có cơ cấu giữ giữa chíp và đế nhựa giống như chiếc khóa một chiều nên chỉ đính vào mà không thể gỡ ra, không tái sử dụng được. Khi chẳng may bị con lợn khác cắn đứt hay làm rách tai người quản lý sẽ biết được điều đó sau 12 tiếng.

Cơ chế để phát hiện là máy không nhận ra cá thể đó vào ăn, vào uống, không có dữ liệu truyền về trung tâm dữ liệu nên ra cảnh báo. Tỷ lệ này rơi vào khoảng 2%. Giá một con chíp như thế khoảng 1 đô la (gần 22.000đ) chưa kể máy đọc chíp ở khay ăn, uống cùng hệ thống vi tính xử lý trung tâm. Nó tỏ ra phù hợp với theo dõi nghiên cứu giống hay thử nghiệm hiệu lực một loại thức ăn mới cho lợn hơn là áp dụng trong nuôi thương phẩm.

Theo anh Văn, một con chíp thừa sức đi hết một đời lợn. Để đảm bảo cho tính liên tục của hệ thống, máy chủ chịu được mất điện 2 tiếng nhờ hoạt động bằng pin. Nó cũng có hệ thống “khóa cứng” để tin tặc không thể hack trộm dữ liệu được. Một máy ăn, máy uống như có thể quản lý được khoảng 20 lợn nên với trại 400 lợn như thế này sẽ cần khá nhiều máy.

dsc-0122094415986
Máy đọc chíp cầm tay

“Trước đây chỉ có số liệu trung bình chứ không thể theo dõi được cá thể ưu tú. Nay nhờ máy mà số liệu theo dõi tường tận từng cá thể, từng giờ, từng phút, từng ngày. Thu thập không mất công đã đành số liệu lại chính xác, khách quan và nhất là không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đàn lợn.

Do được chip hóa nên chỉ cần công nhân chăm sóc hàng ngày mà không cần người theo dõi. Trên máy tính đã hiển thị thời gian ăn, uống, lượng thức ăn, nước uống rất cụ thể, nếu mọi thứ bình thường máy sẽ báo "OK" còn không bình thường là "ORR".

Không chỉ bó gọn, các phần mềm mở có thể cập nhật thêm tính năng theo yêu cầu. Tương lai của việc gắn chíp trên lợn sẽ hợp với quản lý giống thay thẻ hoặc cắt số tai vì số tai chỉ đến số 9999 còn chíp được đến hàng tỉ”, anh Văn chia sẻ.

Khác với hệ thống tối tân của người Trung Quốc, nằm cuối dãy trại là ba chiếc máy Hà Lan với các chức năng đơn giản hơn nhưng khá hiệu quả. Chúng chỉ cân, phân loại lợn theo to nhỏ mà không hề có chức năng đọc được chíp.
Hệ thống phân loại này được cài đặt tự động với hai cửa lật để hướng những con lợn theo trọng lượng to hay nhỏ vào trong các ô chuồng khác nhau. Lợn to ăn cám của loại to, lợn nhỏ ăn cám của lợn nhỏ vì thế mà độ đồng đều sẽ rất cao.
Nhược điểm của hệ thống này là con người phải theo dõi lượng cám, lượng nước rồi tính toán hệ số tiêu tốn thức ăn.
 
Nguồn: NNVN