Xu hướng dùng côn trùng thay thuốc trừ sâu
- Thứ ba - 06/08/2019 04:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Cách mạng xanh mới”
Bây giờ thì ông nông dân Zamora và các đồng nghiệp của mình đã không còn phải phun thuốc trừ sâu cho cây trồng nữa. Thay vào đó, họ treo những chiếc túi chứa ve bét nhỏ trên cây và để chúng tự đi tấn công ký sinh trùng gây hại mùa màng.
Các nhà khoa học của Bioline Iberia đánh giá mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường. |
Ông Zamora có 2 ha trang trại rau quả các loại trong tổng số khoảng 30.000 ha diện tích cây trồng trong nhà kính của nông dân tỉnh Almeria, phía đông nam Tây Ban Nha, nơi được coi là vựa rau quả của châu Âu.
Nhìn từ trên cao, vùng canh tác nhà kính này giống như một bức tranh khảm lấp lánh ở vùng Địa Trung Hải. Nơi đây nổi tiếng là các loại nông sản gồm cà chua, dưa chuột, bí xanh, ớt và cà tím được sản xuất quanh năm để cung cấp cho hệ thống các siêu thị khắp châu Âu.
Túi đựng ve bét treo trong ườn ớt chuông. |
Năm 2018 nông dân tỉnh Almeria sản xuất và xuất khẩu tới 2,5 triệu tấn sản phẩm rau củ quả, chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Tây Ban Nha. Và điều đặc biệt nhất của vùng này là hầu như những người trồng ớt ở Almeria hiện đã không dùng thuốc trừ sâu. Thay vào đó là biện pháp "kiểm soát sinh học", bằng cách sử dụng chính côn trùng làm thiên địch để bảo vệ mùa màng.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất vùng Coexphal, hiện có khoảng 60% người trồng cà chua và 25% người trồng bí xanh cũng đã làm theo cách này. Chính quyền địa phương cho biết, lượng tiêu thụ thuốc trừ sâu ở Almeria (nơi ngành nông nghiệp thu hút khoảng 120.000 lao động và chiếm 20% GDP) đã giảm tới 40% kể từ năm 2007. |
Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong khu vực đã tăng mạnh vào những năm 1960 để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, do áp lực từ những hiệp hội, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng với thực tế là cây trồng ngày càng trở nên kháng hóa chất nên nông dân đã chuyển sang áp dụng các phương pháp mới an toàn hơn.
"Chúng tôi đã buộc phải chuyển hướng do việc sử dụng thuốc trừ sâu đã bị lạm dụng quá mức", Jan van der Blom, một chuyên gia về kiểm soát sinh học tại Coexphal cho hay.
Còn bà Encarnación Samblas, thuộc nhóm hoạt động môi trường EiA đã mô tả sự thay đổi này là một "bước đi rất tích cực". "Trong nhiều trường hợp, việc giảm sử dụng hóa chất đã được tiến hành quyết liệt và thay thế bằng các loại vật liệu thân thiện, ít độc hại hơn", bà Samblas nói.
Lan tỏa
Tại Pháp, mô hình hợp tác xã nông nghiệp InVivo, đơn vị có doanh thu hàng năm khoảng 5,5 tỷ euro (6,2 tỷ USD) vừa qua cũng đã khai trương một "nhà máy sinh học" mang tên Bioline Iberia. Tại đây, ở trong các phòng kín với nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát chặt chẽ, đội ngũ nhân viên đã tiến hành nhân nuôi bốn loài ve bét thiên địch để cung cấp cho các nhà kính trồng rau quả trong vùng cũng như xuất đi Bồ Đào Nha và Ma rốc.
Kiến vàng- thiên địch lợi hại bảo vệ cây trồng. |
Công ty này dự tính sẽ sản xuất khoảng một nghìn tỷ con côn trùng thiên địch trong năm nay. Trong khi đó, loại hình sản xuất kinh doanh độc đáo này cũng đang lan rộng đi các vùng xung quanh, ước tính khoảng 30 doanh nghiệp tham gia hứa hẹn sẽ giảm giá thành.
Ông chủ hãng Bioline Iberia, Federico Garcia cho biết: "Tây Ban Nha hiện được coi là tâm điểm của cả châu Âu và cả thế giới trong lĩnh vực kiểm soát sinh học trên cây trồng”.
Trong khi đó, theo bà Samblas, con đường đến với nông nghiệp xanh thực sự vẫn còn dài do nhiều nông dân vẫn sử dụng thuốc diệt nấm và nhiều chất khác để khử trùng đất.
"Nông dân vẫn sử dụng hóa chất bừa bãi do bị tác động bởi các nhà quảng cáo bán hàng. Họ thường sử dụng chúng như một thói quen mà không thực sự hiểu biết tại sao. Thậm chí ngay cả với các nhà kính “hữu cơ", với diện tích 2.000 ha cũng thường ít để ý đến đa dạng sinh học hoặc không làm đất theo đúng quy cách đã gây áp lực lên tài nguyên nước ở nhiều nơi", nhà sinh thái học Samblas nói.