Xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa: Cách nào hiệu quả?

Xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa: Cách nào hiệu quả?
Quan niệm của bà con nông dân từ xưa đến nay thì việc đốt đồng có một số lợi ích: không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng... Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại.

Tác hại của đốt đồng

Trước hết là khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ nên tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng.

Một tác hại khác của đốt đồng là gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ khi đốt rơm rạ, không chỉ có khí CO2 (dioxid cacbon) thải vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid) và một ít khí SO2 (dioxid sunfur) cũng thải vào.

Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1ha (trung bình 7 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2; 798kg khí CO; 398kg các chất hữu cơ độc hại và 12kg tro bụi.

Đồng Tháp có trên 200.000ha đất trồng lúa, chỉ tính riêng vụ đông xuân thì lượng khí CO2 phát thải lên đến 2,78 triệu tấn. Hơn nữa, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính... khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sẽ dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, gây co thắt phế quản và không loại trừ nguy cơ gây ung thư phổi.

Đốt đồng còn là một sự lãng phí. Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5-8kg đạm; 1,2kg lân; 20kg kali; 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa.

Cuối cùng, việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa - một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao.

Xử lý rơm rạ sau thu hoạch

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, để xử lý lượng rơm rạ trên đồng sau mỗi vụ lúa một cách hợp lý thì giải pháp đầu tiên là nên mang hết rơm ra khỏi ruộng, sau đó tận dụng lượng rơm này trồng nấm để tăng thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng, làm cho đất tơi xốp và duy trì được độ màu mỡ.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Nếu để rơm rạ tự phân hủy thì mất thời gian khá lâu. Gần đây, Công ty Dasco đưa ra sản phẩm Dascela có khả năng phân hủy rơm rạ chỉ trong 7 ngày”.

Nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý bằng cách cày vùi, để duy trì lượng đạm trong đất. Tuy nhiên để cho rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, bà con có thể dùng chế phẩm Dascela phun lên rơm rạ trước khi cày xới. Việc cày vùi rơm rạ vào đất sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rể tốt hơn. Một biện pháp khác cũng được khuyến cáo thực hiện là sử dụng nguồn phụ phẩm rơm để làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò.

Báo Đồng Tháp Online