Ấn Độ muốn sớm đưa nông dân sang Việt Nam học trồng xoài

Ấn Độ muốn sớm đưa nông dân sang Việt Nam học trồng xoài
Trong buổi làm việc với các chuyên gia cây ăn trái, Ngài đại sứ Cộng hòa Ấn Độ Parvthaneni Harish tỏ ý muốn sớm đưa nông dân nước này đến Việt Nam học cách trồng xoài nghịch vụ.
 
Ấn Độ muốn sớm đưa nông dân sang Việt Nam học trồng xoài
Ngài đại sứ Cộng hòa Ấn Độ Parvthaneni Harish thăm vườn thực nghiệm Thanh Long tại Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - Ảnh: T. Tú

Ngày 12-7, Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ Parvthaneni Harish đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tại xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang).

Tại đây, bà Trần Thị Yến Oanh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (NCCAQMN) đã giới thiệu với Ngài đại sứ Cộng Hòa Ấn Độ về một số thành tựu, lĩnh vực nghiên cứu, một số sản phẩm nổi bật, có thế mạnh của Viện NCCAQMN từ ngày thành lập đến nay.

Trong số đó, đáng kể nhất là các sản phẩm giống chất lượng cao của các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL như thanh Long ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng, khóm… Đây là những loại trái cây ngon, có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ.

Bà Oanh cũng chân thành cảm ơn Chính phủ Ấn Độ thời gian qua đã giúp đỡ, hổ trợ tận tình gần 100 cán bộ của Viện NCCAQMN sang học tập, nghiên cứu (sau đại học) tại Ấn Độ. Trong số đó có nhiều người đã thành danh như Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện NCCAQMN, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, hiện là Viện trưởng Viện NCCAQMN…

 

Về phần mình, Đại sứ Parvthaneni Harish tỏ ra rất quan tâm đến hai loại sản phẩm mà người dân Ấn Độ ưa thích là thanh long và xoài, đặc biệt là kỹ thuật cho xoài ra trái quanh năm.

Ngài Đại sứ cho rằng xoài của Ấn Độ thì rất nhiều nhưng chỉ thu hoạch theo mùa. Trong khi đó, Việt Nam là nước có kỹ thuật xử lý xoài cho trái quanh năm rất hiệu quả.

“Trong thời gian tới đây, ngoài việc mở rộng kim ngạch giao thương để nhập các loại trái cây của Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ sẽ xúc tiến các bước cần thiết để đưa một số nông dân của mình sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm xử lý xoài nghịch vụ”, Đại sứ Parvthaneni Harish nói.

THANH TÚ