Bảo hộ sản xuất trước nỗi lo… chệch hướng

Bảo hộ sản xuất trước nỗi lo… chệch hướng
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, không cho phép chúng ta nghĩ đến việc tiếp tục bảo hộ hoặc bảo vệ không phù hợp với những quy định chung của hội nhập quốc tế.

Sốt ruột vì sức ép hội nhập, tại các phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đòi hỏi Chính phủ phải cấp bách có giải pháp căn cơ về bảo hộ và thúc đẩy sản xuất trong nước trước nguy cơ bị hàng hóa nhập khẩu “giết chết” ngay trên sân nhà.

Một trong những ý kiến đọng lại khiến nhiều đại biểu day dứt đó là của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), khi ông cho rằng, “hơn 90 triệu dân nước ta đang trở thành thị trường béo bở cho hàng nhập khẩu rẻ tiền, chất lượng thấp của Trung Quốc và các nước ASEAN khác đang tràn ngập và từng bước giết chết hàng nội địa như hiện nay”.

Dẫn chứng quan điểm này, ông Nghĩa nhấn mạnh, “tình hình này đang trở thành nỗi bức xúc ngày càng lớn của các DN sản xuất nội địa trong nước cũng như của người dân. Các ngành cơ khí lắp ráp điện tử, lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc nông nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên chiếc bằng 0, trong khi đánh thuế nguyên, phụ liệu, linh kiện đầu vào sản xuất trong nước. Cũng như vậy, việc miễn thuế VAT đầu vào thay vì áp dụng thuế suất 0% làm thương tổn các ngành sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, máy móc nông nghiệp trong nước vì những ngành này không được khấu trừ VAT đầu vào. Việc đánh thuế như vậy vô hình trung, đã khuyến khích nhập khẩu các sản phẩm này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt dấu hỏi rằng, “phải chăng chính sách thuế nhập khẩu như vậy để thu thuế nhập khẩu cho dễ dàng hơn”. Ông cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, nếu chúng ta hội nhập mà không sử dụng lợi thế khách quan có sẵn thì dần dần Việt Nam trở thành một thị trường cho hàng hóa các nước tràn vào. Như vậy, hội nhập và mở cửa, chúng ta sẽ đi chệch hướng và về lâu dài đất nước ta sẽ bị suy yếu. “Chúng ta mở cửa hội nhập để làm sao tối ưu hóa lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc chứ không phải mở cửa để hy sinh”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Dẫn ra mối quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu con số mà ông đặc biệt quan tâm là năm 2015 tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014, trong đó nhập siêu tới 32 tỷ USD và vài tháng đầu năm 2016 đạt 32,4 tỷ USD tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) cũng rất băn khoăn khi đến cả các sản phẩm nông nghiệp trong nước rất tốt nhưng tại sao vẫn phải nhập khẩu để giá cả những mặt hàng này tụt xuống, khiến bà con nông dân phải bỏ đất sản xuất, làm cho hộ nghèo tăng lên rồi ngân sách lại phải bỏ tiền ra để thực hiện chính sách giảm nghèo. “Chính phủ khóa mới phải nghiên cứu làm thế nào, kích cầu sản xuất trong nước, chứ cứ nói hội nhập, tham gia các FTA mà để sản xuất trong nước chết yểu là rất nguy hiểm”, đại biểu đề nghị.

Giải trình về các nội dung này, cả Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đều nêu quan điểm rằng, đã mở cửa, thì chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi bình đẳng, có lợi ích thì cũng có cả sự hy sinh. Như trong việc thực thi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở thị trường với Úc. Con tôm Việt được chấp nhận cho xuất nguyên con sang thị trường này thì đổi lại họ yêu cầu mình cho họ xuất khẩu quả cherry sang Việt Nam…

Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, không cho phép chúng ta nghĩ đến việc tiếp tục bảo hộ hoặc bảo vệ không phù hợp với những quy định chung của hội nhập quốc tế. Cách duy nhất, theo ông là phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt các ngành sản xuất, trong đó có ngành nông nghiệp bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh có hiệu quả, hướng tới việc phục vụ đáp ứng cho nhu cầu người dân, xã hội ngày càng tốt hơn.