Các bước chuẩn bị khi nuôi gà tập trung
- Thứ ba - 17/05/2016 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1. Xây dựng chuồng trại chăn nuôi:
- Chuồng gà: Nguyên liệu làm chuồng bằng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Quy cách chuồng tùy theo diện tích đất của trang trại, hoặc của hộ gia đình; đối với các trang trại chăn nuôi lớn chuồng gà nên rộng: chiều dài trên dưới 80m, chiều ngang 7 - 12m, chiều cao trên dưới 5m (từ nền đến nóc). Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ có thể làm chuồng nhỏ hơn: chiều dài 20 - 30m, chiều rộng 4 - 5m. Có thể sửa chữa nhà kho, chuồng lợn (không sử dụng) thành chuồng nuôi gà.
Mỗi chuồng gà lớn, nên ngăn ra một số ô nhỏ hơn. Có diện tích trên dưới 30 - 50m2 (tùy theo diện tích chuồng) để dễ chăm sóc quản lý đàn gà, trước cửa mỗi ô chuồng có hố sát trùng.
Nguyên tắc chung của chuồng trại xây ở khu đất cao ráo, thoáng, xa dân cư, xa chợ, xa trường học, xa khu đô thị, nền cao (40 - 50cm so với mặt bằng), chuồng trại đều hướng về phía Nam, Đông nam có nhiều gió và ánh nắng; quanh chuồng và trang trại có hệ thống cống rãnh để tiêu nước nhanh. Giữa các chuồng cách nhau tối thiểu 15m. Toàn bộ khu chuồng có rào xây tường, cách ly tốt và vệ sinh phòng bệnh tốt. Mỗi chuồng (giữa hặc đầu chuồng) có một gian kho để thức ăn, dụng cụ chăn nuôi.
2. Dụng cụ thiết bị chăn nuôi:
- Thiết bị vận chuyển thức ăn: Nếu chuồng kín, điều hòa tiểu khí hậu tự động, máng ăn tự động thì đầu chuồng có bồn chứa thức ăn; có xe chuyên dùng chở thức ăn rời (không đóng bao) nạp thức ăn vào bồn. Nếu chăn nuôi thủ công, chuồng thông thoáng thì dùng xe đẩy để chở thức ăn từ kho chế biến hoặc dự trữ thức ăn đến gian kho ở mỗi chuồng. Mỗi chuồng có thể dùng xe đẩy hoặc dùng quang thúng chuyển thức ăn từ kho tạm của mỗi chuồng đến ô nuôi gà.
- Máng ăn và máng uống: Máng ăn bằng kim loại hay bằng nhựa. Máng được đặt dọc theo chiều dọc chuồng, ở phía trước (máng uống ở trên, máng ăn ở dưới). Định mức 10cm chiều dài máng cho một gà.
- Các dụng cụ khác: Đồ bảo hộ lao động, các loại cân, hệ thống phun nước rửa chuồng, chống nóng, bình phun thuốc sát trùng, bình đong (chia độ) pha thuốc, dụng cụ làm vệ sinh, ổ đẻ cho chuồng gà lên đẻ ....
3. Vệ sinh tiêu độc chuồng trại và thiết bị chăn nuôi
a. Vệ sinh chuồng trại:
Chuồng nuôi đàn gà mới phải được cạo quét sạch phân (của đàn gà trước đó), mạng nhện, bụi bẩn ở lưới, trần nhà, bạt che. Sau đó dùng vòi phun áp lực rửa sạch nền chuồng, trần, lưới quanh chuồng.
- Để sau một ngày chuồng khô ráo cho dăm bào, trấu khô ... vào và trải đều trên nền chuồng với độ dày 15 – 20cm (tùy theo thời gian nuôi gà).
- Đóng kín bạt, phun thuốc sát trùng bằng formol 2%, dung dịch sunphát đồng 0,5% lên chất độn chuồng để triệt vi khuẩn nấm mốc.
- Cửa chuồng gà có hố đựng nước sát trùng loại Fiprotan 0,2% hoặc crezin 3%.
- Quét vôi lên tường, hè, cửa chuồng (pha nông độ 2%).
Sau khi vệ sinh xong, đóng cửa chuồng và không cho ai qua lại.
b. Tẩy uế sát trùng các dụng cụ chăn nuôi
- Máng ăn, máng uống nuôi gà đợt trước phải rửa sạch. Ngâm chúng trong bể chứa dung dịch chất sát trùng formol 1% trong 15 phút, lấy ra phơi khô, cất vào kho.
- Chụp sưởi được quét sạch bụi bẩn, lau bằng giẻ ẩm. Dùng giẻ thấm dung dịch formol 2%, để khô rồi cất vào kho.
- Các phương tiên vận chuyển thức ăn, vận chuyển gà cũng được rửa sạch, tẩy uế bằng thuốc sát trùng nêu trên. Trang bị bảo hộ cho công nhân như quần áo, dày dép, ủng, mũ, tất tay được giặt phơi khô và xông thuốc sát trùng, gói lại đưa vào kho.
- Kho đựng các dụng cụ chăn nuôi phải được rửa sạch và phun thuốc sát trùng trước khi đưa các dụng cụ chăn nuôi vào.
- Quây gà được quét sạch, dùng vòi phun nước rửa sạch để khô, phun dung dịch formol 2% hoặc fibrotan 0,2%.
c. Vệ sinh thú y khu vực trại gà
- Cổng trại gà phải có người trực, có hố chứa dung dịch sát trùng các bánh xe; dùng bình phun thuốc formol 2%, phun toàn diện lên phương tiện vận chuyển.
- Ngay ở cổng trại có nhà để quần áo, phòng tắm nước sát trùng, tắm nước sạch cho người trước khi vào chuồng nuôi gà.
- Cửa kho chứa dụng cụ chăn nuôi, đặc biệt kho chứa thức ăn chính phải có hố đựng thuốc sát trùng crezin 3%).
- Định kỳ diệt những loại gặm nhấm, côn trùng, chim thú hoang dễ truyền bệnh như: chuột, chồn, chim quạ, chim sẻ, đặc biệt phải trừ chuột tận gốc.
- Để tránh chuột không tiếp xúc với thức ăn, ở các kho phải xây hoặc có giá đỡ thức ăn trên cao trên dưới 50cm, chung quanh kho phải làm khung lưới chắn.
Lê Giang
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Nguồn: nguoichannuoi.vn