Cải cách DNNN để đáp ứng đòi hỏi của TPP

Để trở thành thành viên của TPP, các nước tham gia đàm phán phải tiến hành cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh hoạt động theo quy luật thị trường, giảm sự kiểm soát của Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá.
 
PGS.TS. Trần Đình Thiên
Thêm nữa, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có cam kết về mua sắm Chính phủ, tức là những vấn đề liên quan đến đấu thầu Nhà nước, đầu tư công… lĩnh vực mà xưa nay tập đoàn Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có đặc quyền nhất định.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Ông có cho rằng TPP là cơ hội để cải cách DNNN?

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Trong TPP có chương riêng về DNNN và chương về mua sắm Chính phủ. Đưa ra những nội dung này tức là các nước tham gia TPP phải bảo đảm một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN thuộc các quốc gia thành viên TPP. 

Khi Hiệp định có hiệu lực, sẽ có rất nhiều nước đầu tư vào thị trường của nhau, nhưng nếu mỗi quốc gia cứ ưu đãi DN của mình sẽ tạo ra sự bất bình đẳng.

Vì vậy, thông điệp của TPP rất rõ ràng, rằng người chơi phải bình đẳng với nhau và Nhà nước không dành ưu đãi gì đặc biệt cho DNNN. Đây là thông điệp cần thiết để các DNNN của chúng ta cải cách, để thoát khỏi cơ chế xin-cho, thoát hẳn những ưu đãi từng được hưởng...

DNNN vẫn có thể làm những việc mà DN tư nhân không làm, nhưng điểm khác biệt là tư cách của DNNN trên thị trường cũng không khác gì các DN khác, nghĩa là phải bình đẳng.

Tôi nghĩ đây có thể là áp lực lớn trong cải cách DNNN thời gian tới.

Ông vừa nói đến việc đẩy mạnh cải cách DNNN. Theo ông, chúng ta phải thực hiện công việc đó như thế nào?

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Không cần phải tham gia TPP ta mới phát hiện ra việc cần phải cải cách DNNN, có điều, TPP là áp lực đặt ra thời hạn cho chúng ta. 

Tôi cho rằng chương trình cổ phần hóa DNNN phải thay đổi, tức là phải lấy mục tiêu thay đổi cấu trúc sở hữu thay vì việc lấy số lượng DN được tham gia cổ phần hóa, trong khi cấu trúc sở hữu vẫn nghiêng về phía Nhà nước.

Mục tiêu của cổ phần hóa là chuyển vốn lâu nay Nhà nước sở hữu sang khu vực tư nhân. Tư duy về cổ phần hóa phải xuất phát căn bản từ việc thay đổi cấu trúc sở hữu.

Đồng thời, cách làm phải dựa trên trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu DN, Bộ chủ quản phải chịu trách nhiệm về DN. Phải tư duy rõ như vậy để hoàn thành cổ phần hóa.

Một loạt chính sách liên quan đến giá đất đai, nhà xưởng, liên quan đến tài sản của Nhà nước và Luật Đất đai, liên quan đến cách thức đấu giá… nếu không xử lý được thì chúng ta sẽ rất khó thực hiện thắng lợi  công tác cổ phần hóa.

Cuối cùng, cổ phần hóa phải công khai minh bạch. Đây là cuộc di chuyển cực kỳ lớn về việc chuyển giao tài sản của Nhà nước cho xã hội. Nếu không công khai minh bạch, khả năng DN sẽ mất rất nhiều.

Có quan điểm cho rằng, khi TPP có hiệu lực thì khối DNNN sẽ phải dựa nhiều vào khối DN tư nhân. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Như tôi đã nói, khi gia nhập TPP thì mọi DN đều bình đẳng. Điều này có nghĩa là DNNN phải vận hành giống như DN tư nhân, chỉ có chủ sở hữu thuộc về Nhà nước. Lúc này, DNNN không còn được Nhà nước “che chắn” bằng những ưu đãi về chính sách nữa.

Muốn cho nền kinh tế Việt Nam tới đây dựa trên nền tảng DN tư nhân thì môi trường chính sách của Nhà nước tạo lập cho khối DN tư nhân phải dựa trên tinh thần phục vụ, hỗ trợ tối đa cho khu vực tư nhân phát triển.

Tôi cho rằng, tới đây, cùng với việc công khai minh bạch cổ phần hóa và coi khu vực tư nhân là quan trọng, thì vai trò của Nhà nước sẽ thay đổi theo hướng Nhà nước là công cụ phục vụ cho tư nhân kinh doanh một cách tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo chinhphu.vn