Cần chính sách mới tạo đột phá

Năm 2014 có thể được coi là năm thành công nhất của chương trình sản xuất lúa lai F1, khi cả năng suất và sản lượng hạt lai F1 đều vượt xa những con số mà những nhà khoa học, nhà quản lý và ngành sản xuất giống trong nước mơ ước.

Năng suất đã kịch trần…

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết sản xuất hạt giống lúa lai F1 vụ mùa và cả năm 2014 do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT Lào Cai tổ chức (tháng 10.2014), vụ đông xuân vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, diện tích sản xuất giống lúa lai F1 đã lên đến 1.420 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn, năng suất bình quân đạt gần 4,1 tấn/ha. Đã có 15 tỉnh, thành phố, tham gia sản xuất lúa lai với nhiều tổ hợp lai được chọn tạo có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi (hạn hán, úng, xâm nhập mặn, sâu bệnh) được công nhận và phổ biến vào sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh.

Đối với vụ mùa, một số tổ hợp gieo sớm gặp mưa lớn, giai đoạn trỗ đòng gặp bão số 3, … đã ảnh hưởng lớn đến năng suất hạt lai F1. Tuy nhiên, quy mô sản xuất hạt lai F1 đã đạt 2.500 ha với 12.500 hộ gia đình tham gia. Năng suất bình quân toàn quốc trong vụ mùa đạt hơn 2,9 tấn/ha. Số lượng tổ hợp lúa lai được chọn tạo, nhân dòng trong nước đã tăng đáng kể, trong đó có một số tổ hợp có ưu thế vượt trội về thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng, năng suất và chất lượng rất tốt.

Theo đánh giá của TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm KNQG, chương trình sản xuất lúa lai F1 đã thu được những thành công nhất định. Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu hoàn toàn hạt giống lúa lai từ nước ngoài, đã từng bước nghiên cứu, chọn lọc, nhân các dòng bố, mẹ và hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước để giảm dần lượng giống nhập khẩu, đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã cơ bản làm chủ được công nghệ, kinh nghiệm về nhân dòng mẹ bất dục, dòng duy trì và công nghệ sản xuất hạt lai F1 của nhiều tổ hợp lai.

Chương trình cũng đã đào tạo được đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất lúa lai F1 trên toàn quốc, xác định được một số vùng sản xuất hạt lai F1 có lợi thế. Chương trình đã xây dựng thành công chuỗi liên kết lúa lai F1 khép kín gồm nghiên cứu, sản xuất và tiêu thu theo mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất giống lúa lai F1. Với kết quả của chương trình sản xuất lúa lai F1 năm 2014, chúng ta đã chủ động được hơn 40% nhu cầu của nông dân.

… nhìn lại lịch sử lúa lai

Những thành công trong chương trình sản xuất lúa lai của Việt Nam hiện nay được khởi nguồn từ những năm 1990, khi nhu cầu tăng năng suất lúa trên đồng ruộng là bắt buộc. Một số ít những nhà khoa học như GS-TS Nguyễn Thị Trâm, GS-TS Nguyễn Văn Hoan,… đã đi sâu nghiên cứu để chọn tạo dòng bố mẹ cùng công nghệ lai mới và đã cho ra đời một số dòng phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước.

Từ những kết quả ban đầu, các tổ hợp lai được ra đời và chọn tạo ra những giống phù hợp với từng địa phương, từng vùng sản xuất nhất định. Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu hoàn toàn hạt giống lúa lai F1 để tăng năng suất lúa trên đồng ruộng đã dần chuyển sang nhập khẩu dòng bố mẹ và hiện nay, sau hơn 20 năm nghiên cứu đã chủ động được gần 50% nhu cầu lúa lai F1 trong nước. 

Cần có chính sách tạo đột phá mới

Theo nhận định chung của các nhà khoa học, nhà quản lý, đến thời điểm này, năng suất, sản lượng và quy trình sản xuất lúa lai F1 đã cơ bản hoàn thiện. Nhiều địa phương điều kiện sản xuất khó khăn như Lào Cai nhưng đã sản xuất với tổng diện tích lúa F1 là 131,3 ha với năng suất vụ xuân đạt 3 tấn/ha, vụ mùa đạt 2,8 tấn/ha, hoàn toàn chủ động được công nghệ và chọn tạo được một số dòng bố mẹ phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.
 

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Cằng - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng, các dòng bố mẹ đang sử dụng được các nhà khoa học chọn tạo từ những 1990, đã đạt ngưỡng về năng suất và đang trở nên cũ kỹ. Để tạo đột phá, rất cần các nhà khoa học, nhà quản lý đầu tư nghiên cứu để chọn tạo các dòng bố mẹ vượt trội, tạo các tổ hợp lai mới thì mới có những đột phá về lúa lai như trong những năm vừa qua.

Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng các nhà khoa học để có những giống lúa mới, tạo đột phá nhưng cũng rất cần các chính sách cụ thể của Bộ NNPTNT để bảo đảm quyền lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp khi đầu tư vào nghiên cứu. Doanh nghiệp rất cần lộ trình cụ thể của Bộ NNPTNT cho doanh nghiệp và nhà khoa học nghiên cứu.

Theo GS-TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), tới thời điểm này, rất cần Bộ NNPTNT có chính sách mới hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu chọn tạo những dòng bố mẹ mới nhằm chọn tạo ra nhiều tổ hợp lai có năng suất cao hơn để tạo đột phá. Đặc biệt, rất cần chính sách bảo hộ bản quyền cho để các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu chọn tạo.

Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, những thành công của chương trình sản xuất lúa lai F1 hiện nay có sự đóng góp lớn từ các doanh nghiệp và hoạt động khuyến nông. Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho chương trình sản xuất lúa lai F1 nhằm chủ động trong sản xuất, giảm giá lúa giống cho nông dân. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu để ổn định lộ trình phát triển lúa lai F1, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển và sẽ sớm chấm dứt việc các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn chụp giật trong sản xuất F1.

TS Vũ Hồng Quảng (Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng) cũng cho rằng, để ngành sản xuất lúa lai F1 tạo đột phá mới, chủ động hoàn toàn nhu cầu sản xuất giống trong nước thì Bộ NNPTNT cần có chính sách đầu tư cụ thể cho hoạt động nghiên cứu chọn tạo dòng bố mẹ mới. Phải có đầu tư mạnh các nhà khoa học nghiên cứu chọn tại các dòng bố mẹ mới thì chúng ta mới có thể tạo đột phá về năng suất và sản lượng trong 20 năm tới.

Tại hội nghị sơ kết công tác sản xuất giống lúa lai 2014 được tổ chức mới đây ở Nam Định, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, kết quả sản xuất giống lúa lai năm 2014 là thành tích vượt trội, trong đó có dự án khuyến nông về sản xuất giống lúa lai F1 do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì đã thu được những thành công nhất định.

Tuy sản xuất giống lúa lai rất vất vả, luôn gặp nhiều rủi ro, nhưng dứt khoát không để người nông dân chịu rủi ro. Các cơ quan chuyên môn cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện chuỗi cung ứng giống lúa lai F1, từ nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao đến sản xuất. Đặc biệt, Bộ NNPTNT sẵn sàng đầu tư kinh phí lớn để chủ động sản xuất giống lúa lai F1, nhằm đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, tránh hoàn toàn sự lệ thuộc vào nước ngoài.

Bộ NNPTNT sẵn sàng đầu tư kinh phí lớn để chủ động sản xuất giống lúa lai F1, nhằm đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, tránh hoàn toàn sự lệ thuộc vào nước ngoài.   (Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh).
Theo Danviet.vn