Cấp thiết chuỗi giá trị tôm

Cấp thiết chuỗi giá trị tôm
Hội nhập tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong đó có mặt hàng tôm; theo đó, tiếp cận giá trị gia tăng thông qua việc “Xây dựng và Phát triển chuỗi giá trị thủy sản” đang trở thành yêu cầu cấp thiết, góp phần tái cơ cấu thành công ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Còn nhiều bất cập

Tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) là một trong hai đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Các tác nhân chính tham gia chuỗi giá trị bao gồm các nhà cung cấp các yếu tố đầu vào (giống, thức ăn, thuốc/hóa chất và trang thiết bị); nhà sản xuất (hộ nuôi/công ty); thương lái và các nhà chế biến/xuất khẩu.

cấp thiết xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm

Trong chuỗi giá trị tôm, người nuôi chủ yếu là những hộ nông dân sản xuất ở quy mô nhỏ, theo phương thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Do đó, hệ thống thương lái hình thành gồm nhiều cấp để thu gom sản phẩm nuôi, đồng thời các nhân này cũng cung cấp các yếu tố đầu vào cho người nuôi (tín dụng, giống, thức ăn, hóa chất). Đối với các hộ nuôi và công ty có quy mô thương mại lớn thường có sự liên kết trực tiếp với các nhà chế biến/xuất khẩu.

Năm 2015, có khoảng hơn 300 công ty ở Việt Nam liên quan đến thương mại tôm, trong đó 60 công ty lớn chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu và 120 công ty đạt tới doanh số xuất khẩu trên 1 triệu USD đối với mặt hàng tôm.

Mặc dù đã có sự tham gia sâu vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu, tuy nhiên chuỗi giá trị tôm của Việt Nam vẫn còn những tồn tại:

- Vấn đề dịch bệnh ở khâu sản xuất ảnh hưởng tới tính bền vững của toàn chuỗi giá trị tôm; do trình độ người nuôi hạn chế, thiếu sự kiểm soát thích hợp đối với chất lượng nước, môi trường và chất lượng con giống.

- Thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn chuỗi giá trị, bao gồm cả đầu tư cho dịch vụ hậu cần, sản xuất giống và hệ thống thủy lợi.

- Thiếu sự hợp tác/liên kết dọc giữa các tác nhân trong toàn chuỗi thể hiện ở việc sự hợp nhất các tác nhân trong chuỗi rất hạn chế. Chỉ một số ít các trang trại nuôi có mối liên kết trực tiếp với các nhà chế biến xuất khẩu thông qua sự hợp nhất dọc hay hợp đồng…

- Thiếu sự hợp tác/liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị và các tác nhân hỗ trợ sản xuất/thương mại - BSOs (cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng, viện/trường), bao gồm: (a) Thiếu sự hợp tác giữa các viện/trường với cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy nghiên cứu nâng cao chất lượng tôm giống; (b) Khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với người sản xuất và chế biến xuất khẩu do thủ tục phức tạp và lãi suất cao; (c) Thiếu sự hợp tác/hỗ trợ giữa các đơn vị bảo hiểm và người nuôi. 

 

Thúc đẩy chuỗi giá trị

- Các giải pháp cho khâu sản xuất/chế biến: (1) Đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng giống, sản xuất giống sạch bệnh; (2) Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết doanh nghiệp - hộ nuôi trồng thủy sản; (3) Nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn SPS; (4) Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng.

- Các giải pháp phát triển thị trường và sản phẩm: (1) Nâng cao năng lực cạnh tranh; (2) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; (3) Hỗ trợ việc cấp chứng nhận và xây dựng thương hiệu;

- Tăng cường liên kết dọc và quản lý chuỗi nuôi trồng thủy sản; Thành lập các hiệp hội ngành hàng.

- Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thuế, tín dụng, nâng cao vai trò của hiệp hội, xây dựng và phát triển sàn giao dịch một số mặt hàng chủ lực; cung cấp thông tin giá cả, nâng cao tính minh bạch trên thị trường...

TS Nguyễn Thanh Tùng - Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản