Chính phủ “gỡ khó” cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Chính phủ “gỡ khó” cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp công nghệ cao.
khẩn trương đánh giá tình hình triển khai Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đánh giá tình hình triển khai Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, sau khi xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả xử lý kiến nghị của nông dân Tô Hiến Thành (tỉnh Bắc Giang) và Võ Quan Huy (tỉnh Long An) tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân tại Hải Dương ngày 9/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, khẩn trương đánh giá tình hình triển khai Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cho người dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Từng cho ý kiến về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong quá trình cho vay theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ về việc triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch vẫn còn một số vướng mắc. Trong đó  việc cho vay đối với khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng chưa nhiều.

Đặc biệt, doanh nghiệp và người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Trước đó, tại cuộc đối thoại lần đầu tiên trong lịch sử giữa Người đứng đầu Chính phủ và nông dân ngày 9/4, nông dân Tô Hiến Thành (Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết, bản thân có trang trại thịt lợn hữu cơ Organic Việt Nam với diện tích 5,6ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Mỗi năm doanh thu khoảng 10 – 12 tỷ, lợi nhuận 3 – 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên nông dân này vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn. 

“Đến thời điểm này tôi đã có gần 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Để có được tài sản như hiện nay, tôi đã thất bại không dưới 4 lần. Ngẫm lại mới thấy sản xuất nông nghiệp ở nước ta vô cùng khó khăn, trong đó cái mà tôi và chắc chắn hầu hết nông dân ngồi đây gặp khó khăn đó là vốn. Để duy trì sản xuất, chúng tôi  phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng”, nông dân Tô Hiến Thành chia sẻ đồng thời đặt câu hỏi “Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp được không?”.

Không chỉ về vấn đề tiếp cận vốn trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tham dự cũng bày tỏ với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách gì để giải quyết vấn đề đất đai cho nông dân trong bối canh tích tụ ruộng đất mạnh mẽ, làm thế nào đảm bảo cho nông dân có việc làm, thu nhập và cuộc sống ổn định? Ngoài ra, Chính phủ có chính sách gì để những người như chúng tôi thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất mở rộng ruộng đất?”, Nông dân Võ Quan Huy (Long An), Giám đốc Cty TNHH Huy Long An Mỹ Bình, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đặt vấn đề.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú sau đó đã cho biết, Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Cụ thể, áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung). Ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Việt Nam có lợi thế hoặc có kim ngạch xuất khẩu lớn, như các chính sách về tạm trữ lúa gạo, tái canh cà phê; cho vay khai thác hải sản xa bờ...

“Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 55 theo hướng bổ sung một số quy định mới như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng. Ưu đãi cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt vốn từ 50 triệu đồng sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng”, ông Tú cho biết. 

Về tài sản thế chấp, theo Thông tư 59 mới ban hành thì tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ ND, các hộ vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp. 

Về câu hỏi của anh Võ Quan Huy, ông Tú nhận định, mấu chốt của vấn đề là quy mô sản xuất, tài sản của anh Huy có đảm bảo để các ngân hàng có cho vay hay không. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có cuộc gặp riêng với hai nông dân và các ngân hàng thương mại để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Dự kiến, sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì xử lý, đánh giá tình hình triển khai Thông tư số 33/2017/TT-BTNM sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/9/2018.

Tác giả bài viết: Thy Hằng

Nguồn tin: enternews.vn