Giá lúa tăng, nông dân vẫn lo
- Chủ nhật - 09/07/2017 23:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đầu tháng 7-2017, giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao khiến nông dân phấn khởi sản xuất.
Giá lúa liên tục duy trì trong 6 tháng qua (từ vụ đông xuân đến hè thu) và Chính phủ cũng không cần đưa ra giải pháp can thiệp mua dự trữ vào vụ thu hoạch rộ. Đây cũng là một điều khá hiếm trong nhiều năm qua.
Lúa được giá, dễ bán
“Tui vừa thu hoạch, bán hết 5 công lúa hè thu. Thương lái mua 5.150 đồng/kg lúa tươi, tính ra lời được 10 triệu đồng. Gia đình tranh thủ làm vụ thu đông sớm. Hy vọng giá bán tiếp tục cao”, anh Trần Văn Ngoản, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, vui mừng cho biết. Với năng suất khoảng 6 tấn/ha, giá bán lúa tươi trên 5.000 đồng/kg, nông dân Hậu Giang đạt mức lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha.
Hiện nông dân tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch khoảng 20.000ha/78.000ha lúa hè thu. “Nông dân trong tỉnh đã sử dụng hơn 70% các giống lúa chất lượng cao để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đây là một tín hiệu lạc quan khi nông dân quan tâm đến cơ cấu giống chất lượng cao. Diện tích còn lại sản xuất giống có phẩm cấp gạo thấp, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa truyền thống để người dân làm bún”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết. Hiện ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 350.000ha/1,58 triệu ha.
Có thể nói, dù mối quan hệ trong chuỗi sản xuất nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều điểm nghẽn nhưng tình hình xuất khẩu gạo đang có những dấu hiệu tốt. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện thương lái mua lúa khô của nông dân với giá từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.900 - 6.000 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.500 - 7.600 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.900 - 7.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.300 - 8.400 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.100 đồng - 8.200 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.800 - 7.900 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Đầu năm 2017, VFA đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu khá khiêm tốn khoảng 6,4 triệu tấn gạo (cao hơn năm 2016 khoảng 1,4 triệu tấn). Đến cuối tháng 6-2017, các doanh nghiệp đã xuất khẩu đạt gần 3 triệu tấn, mục tiêu trong năm 2017 không quá khó khăn.
Cùng thời điểm này, gạo tồn kho của Thái Lan giảm kỷ lục. Năm 2014 tồn 18,9 triệu tấn, đến nay chỉ còn 2,1 triệu tấn. Việc kho gạo Thái giảm mạnh đã giảm áp lực lên gạo tồn kho toàn cầu. Giá gạo giao dịch trên thế giới có khả năng tiếp tục khả quan. Hiện xuất khẩu gạo của 5 nước đứng đầu như Thái Lan, Ấn độ, Việt Nam, Paskistan, Mỹ đều tăng. Nhu cầu gạo từ Bangladesh, Iraq, Philippines tiếp tục xuất hiện sẽ giúp ổn định giao dịch và giá gạo trên thế giới.
Dung hòa lợi ích hai chủ thể
Gần 30 năm tham gia xuất khẩu, Việt Nam được đánh giá là cường quốc xuất khẩu gạo; luôn đứng trong tốp 5 nước có số lượng xuất khẩu gạo cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nông dân ở vựa lúa ĐBSCL làm ra sản lượng trên 25 triệu tấn lúa/năm, cung cấp chính cho xuất khẩu, luôn đối diện với nhiều rủi ro. Hết lũ đến hạn mặn, mưa dầm chụp đồng, các bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, đạo ôn… gây thiệt hại nặng nề. Nhưng nỗi lo chính của nông dân vẫn là giá lúa. Hiện do nhu cầu gạo trên thế giới, đồng thời xuất hiện thị trường tiêu thụ khá mạnh ở Trung Quốc nên giá lúa đang “đỏng đảnh”. Có thể nói, những quyết định quan trọng của Chính phủ đã hỗ trợ điều hành ngành hàng chiến lược của quốc gia. Đáng chú ý là Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, đã tác động mạnh nhất đến sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hai quyết định này đã đưa ra nhiều quy định để doanh nghiệp xuất khẩu gạo quay lại đầu tư căn cơ cho vùng nguyên liệu; hỗ trợ nông dân tiếp cập các nguồn tín dụng đầu tư cho cây lúa.
Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, mô hình cánh đồng lớn được xem là lý tưởng để kết nối mối quan hệ rời rạc lâu nay giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư giống, một phần vật tư, gắn với bao tiêu đầu ra cho nông dân. Nông dân sản xuất theo quy trình và đúng giống lúa doanh nghiệp đặt hàng. Thế nhưng đến nay, mô hình cánh đồng lớn “lựng khựng” đứng ở mức khoảng 200.000ha (chiếm khoảng 15% diện tích sản xuất toàn vùng). Rất nhiều doanh nghiệp than phiền, chủ yếu là khi giá lúa cao, nông dân liên tiếp xé rào bán cho thương lái bên ngoài!
Lãnh đạo ngành nông nghiệp một địa phương am hiểu vấn đề cho rằng, cần nhìn nhận hai chiều. Chuyện nông dân không bán lúa cho doanh nghiệp đầu tư bao tiêu vùng nguyên liệu là có thật, nhưng doanh nghiệp cũng cần tiếp nhận kiến nghị chính đáng của nông dân. Như giá lúa luôn biến động, có khi trong 2-3 ngày đã tăng vài trăm đồng/kg nhưng doanh nghiệp phải mất hơn 1 tuần mới điều chỉnh giá thu mua. Nông dân phản ứng vì cho rằng doanh nghiệp “đè thấp” giá lúa!
Nhiều địa phương đã chuẩn bị đánh giá lại việc 5 năm thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về phát triển HTX. Trong đó, nhu cầu hình thành các tổ liên kết, hợp tác xã là khá nóng. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể liên kết hiệu quả thông qua các HTX. Theo Bộ Công thương, năm 2017 sẽ đổi mới mạnh mẽ về quan điểm, chủ trương và thể chế để hình thành các vùng sản xuất lớn nhằm phục vụ cho việc cơ giới hóa, tự động hóa và đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề xây dựng thành công thương hiệu gạo.
Các chuyên gia lúa gạo khuyến nghị, ngành gạo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện những yếu kém nội tại như sản xuất còn manh mún, khâu chế biến chưa bảo đảm tính liên tục và đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Các quyết sách mới cần tạo điều kiện, hỗ trợ để giữ uy tín và chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Có giải pháp thiết thực hình thành mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp theo hướng dung hòa lợi ích giữa hai chủ thể.