Gỡ khó nông sản ế bằng liên kết theo chuỗi

Gỡ khó nông sản ế bằng liên kết theo chuỗi
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, để giải quyết được vấn đề nông sản ế ẩm, rớt giá triền miên, giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền để bà con nông dân, người trực tiếp sản xuất liên kết với các doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Thưa ông, Cục Trồng trọt Bộ NNPTNT, nhìn nhận thế nào về việc hiện nay rất nhiều loại nông sản rơi vào tình trạng ế ẩm, giá xuống quá thấp tới mức nông dân không buồn thu hoạch, hoặc đem đổ bỏ?

- Hiện, trên các phương tiện truyền thông đang có nhiều thông tin về việc tình trạng ế một số mặt hàng nông sản như su su, chuối, thanh long, rồi lợn hơi... Tuy nhiên, theo tôi thấy có nhiều mặt hàng ế thật, song cũng có một vài mặt hàng ế giả (có thể nói là thông tin ảo). Ví như thông tin mới đây nhất là bà con Đồng Nai không bán được chuối, phải đổ bỏ cho bò ăn, đây có thể là thông tin không thực sự chính xác. Nếu có tình trạng đó thật, thì cũng chỉ là một hiện tượng rất nhỏ, có thể là ế hàng 1 - 2 ngày thôi chứ làm gì đến mức nghiêm trọng phải đổ bỏ cho trâu bò ăn.

 

go kho nong san e bang lien ket theo chuoi hinh anh 1

Ông Nguyễn Đình Lâm đổ cám cho đàn lợn ăn tại trang trại của gia đình  ở xã Thành Lập, huyện Lương Sơn (Hòa Bình).  Ảnh: Trần Quang

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế các mặt hàng nông sản, theo tôi có 3 nguyên nhân. Một là do người sản xuất chạy đua theo phong trào, bà con thấy mình có năng lực sản xuất thì đua nhau làm mà không quan tâm đến việc tới lúc thu hoạch sẽ bán cho ai. Đặc biệt, đa phần bà con sản xuất được sản phẩm nhưng khi bán đều không có hợp đồng rõ ràng với người mua, dẫn đến đầu ra bấp bênh, không ổn định, lúc lượng cung tăng cao thì bà con bị ép giá là đương nhiên.

Thứ hai là việc sản xuất không có sự liên kết giữa người làm ra sản phẩm và phía tiêu thụ. Đặc biệt là nông dân sản xuất, tiêu thụ hầu hết không có hợp đồng rõ ràng với người mua, đơn vị phân phối nên khi bà con làm ra sản phẩm hay bị tư thương ép giá, lũng đoạn. Ví dụ như quả thanh long, có thời điểm buổi sáng đang bán giá 15.000 đồng/kg, nhưng đến chiều giảm còn 10.000 đồng/kg, thậm chí còn bị ép phải bán với giá 5.000 đồng/kg.

Thứ 3 là vấn đề quy hoạch. Hiện, quy hoạch của chúng ta đang bị phá vỡ, không điều chỉnh được. Mặc dù nhà nước có đưa ra quy hoạch nhưng nông dân không thực hiện theo quy hoạch, các vùng sản xuất, các địa phương mỗi nơi làm một kiểu, không hề có sự liên kết với nhau.

Ông có thể cho biết tình trạng phá vỡ quy hoạch này nghiêm trọng đến mức nào?

- Hiện nay, các thông tin về việc phá vỡ quy hoạch chúng tôi không thấy có địa phương nào báo cáo. Đến nay, Cục cũng chỉ nắm được thông tin quy hoạch của một số cây trồng trọng yếu, điển hình như cây thanh long và tiêu đều đang trồng vượt quy hoạch. Còn đối với các cây chiếm cơ cấu nhỏ như dưa hấu, chuối thì không có quy hoạch cụ thể.

Về nguyên nhân dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch, cũng cần nói hiện nay chúng ta chưa có quy hoạch chi tiết nên cũng khó nói là các tỉnh phá vỡ quy hoạch. Cùng với đó là phần lớn bà con nông dân tự điều chuyển quy hoạch, bà con thích trồng cây gì, nuôi con gì ngành chức năng không can thiệp được. Đáng nói là bà con chuyển đổi rất nhanh nên cơ quan nhà nước cũng không thể nắm kịp.

Cần có giải pháp gì để giảm bớt tình trạng nông sản ế ẩm và giúp bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, thưa ông?

-Theo tôi, việc đầu tiên cần làm là bà con nông dân phải tuân thủ sản xuất theo đúng quy hoạch; phải có hợp đồng tiêu thụ chắc chắn. Giải pháp cụ thể là chúng ta cố gắng phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi và liên kết sản xuất bền vững. Đặc biệt, nhà nước cần quy định đối với các đơn vị xuất khẩu nông sản phải có vùng nguyên liệu, qua đó họ ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu với nông dân, từ đó việc đầu tư nguyên liệu đầu vào cũng như xử lý đầu ra sẽ ổn định và vững chắc.

Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều loại nông sản rơi vào tình trạng ế ẩm, giá rớt thê thảm là do chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiểu ngạch với Trung Quốc, nên họ chỉ cần “khó ở” là nông sản của ta lãnh đủ?

- Theo tôi, nói đi thì cũng phải nói lại, nếu sản phẩm của Việt Nam không bán cho Trung Quốc thì bán cho ai? Trung Quốc là thị trường lớn, lại liền kề với nước ta, nhiều nước khác cũng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam nhưng không có nhu cầu lớn như Trung Quốc.

Hiện, hầu hết các sản phẩm nông sản của Việt Nam đều xuất sang Trung Quốc, trong đó có một số loại trái cây được nước bạn nhập khẩu nhiều như chuối, xoài, dưa hấu…

Chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, thực trạng sản xuất của bà con nông dân chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, do đó bà con muốn giảm chi phí thì phải đi bằng đường tiểu ngạch. Nếu xuất theo chính ngạch, chi phí sẽ cao hơn. Thêm nữa là việc đàm phán để đưa các sản phẩm của chúng ta vào thị trường của họ theo đường chính ngạch còn rất nhiều khó khăn, dù có đàm phán được thì các sản phẩm của ta cũng sẽ phải đáp ứng các điều kiện rất ngặt nghèo.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Trần Quang

Nguồn tin: danviet.vn