Hỗ trợ doanh nghiệp “vượt sóng” TPP

Doanh nghiệp cần hiểu và thực thi tốt các cam kết có trong TPP về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, cũng như các biện pháp về phòng vệ thương mại. Quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần nắm chắc thông tin về hiệu lực, về lộ trình thực hiện các cam kết.
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phối hợp với Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Hiệp định TPP - những điều doanh nghiệp cần biết”.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết chính thức vào ngày 4/2/2016. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất của Việt Nam cho tới nay và được đánh giá sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Với tư cách là cổ đông Nhà nước, SCIC tổ chức Hội thảo này với mục đích giúp các doanh nghiệp nắm rõ các cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP, đồng thời nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của hiệp định này, giúp doanh nghiệp tận dụng TPP hiệu quả để phát triển.

Các nội dung chính của Hội thảo bao gồm: Tổng quan về đàm phán TPP; Những cam kết chính về doanh nghiệp Nhà nước (SOE), thương mại điện tử, lao động, công đoàn trong TPP ảnh hưởng tới doanh nghiệp; Những lưu ý quan trọng với doanh nghiệp khi thực thi TPP; Những lợi ích và thách thức khi Việt Nam tham gia TPP. Đặc biệt, Hội thảo sẽ giới thiệu cách thức để các doanh nghiệp tận dụng TPP hiệu quả…

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết: “SCIC hiện đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại gần 200 doanh nghiệp, hoạt động trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực, và đều chịu tác động của TPP.

Các doanh nghiệp cần hiểu và thực thi tốt các cam kết về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về lao động và môi trường, các quy định về mua sắm công và doanh nghiệp Nhà nước, cũng như các biện pháp về phòng vệ thương mại. Quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần nắm chắc thông tin về hiệu lực, về lộ trình thực hiện các cam kết. Đó cũng là mấu chốt quan trọng, quyết định sự thành công hay không của doanh nghiệp trong hội nhập”.

Với vai trò là cổ đông của doanh nghiệp, SCIC luôn chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý...

Bên cạnh đó, SCIC thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhằm chia sẻ với các doanh nghiệp những kinh nghiệm thực tế, cập nhật những thay đổi của chính sách… để các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, từ đó nâng cao hiệu quả và giá trị doanh nghiệp.

Hội thảo này cũng là một trong những nội dung hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mà SCIC luôn cố gắng đem đến cho các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC trong hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập năm 2005.

Theo chinhphu.vn