Lạm dụng chất cấm: Người chăn nuôi tự kết liễu mình!
- Chủ nhật - 01/11/2015 03:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dòng thứ nhất, những thông tin về kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2016, việc triển khai các hiệp định thương mại tự do với một loạt quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga - Kazakhstan - Belarus - Armenia- Kyrgyzstan),… được các cơ quan báo chí đưa thông tin với tần suất cao. Theo đó, nhiều chuyên gia đưa ra những cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất và những thách thức chúng ta sẽ gặp phải, những rào cản chúng ta phải vượt qua,…
Điều cơ bản trong những thông tin này là việc cắt giảm thuế xuất – nhập khẩu đối với hàng hóa và những hàng rào phi thuế quan (an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất an toàn,…) được các quốc gia, vùng lãnh thổ dựng nên.
Dòng thứ hai, những thông tin dùng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, dùng chất kích thích không rõ nguồn gốc thúc chín trái cây,… cũng được các cơ quan báo chí đưa tin liên tục. Câu cảm thán “Không còn vùng an toàn cho chất cấm” của Tư lệnh ngành nông nghiệp tại Hội nghị triển khai đợt cao điểm hành động Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề bức xúc lâu nay.
Theo các chuyên gia, chăn nuôi nước ta được cho là ngành chịu nhiều tác động tiêu cực khi thực hiện các FTA (hiệp định thương mại tự do) bởi quy mô nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, quy trình chăn nuôi chưa an toàn, giá vật tư đầu vào cao,… Tuy nhiên, với thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như hiện nay thì có khi chưa cần đến việc thực hiện các hiệp định thương mại, ngành chăn nuôi đã khó mà cầm cự trước các sản phẩm nhập khẩu.
Lâu nay nhiều ngành thường tổ chức tháng cao điểm hành động về một lĩnh vực nào đó đang gây bức xúc trong xã hội hoặc chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng nào đó. Đây là việc làm tốt, cần được các ngành tiếp tục triển khai. Có điều là, sau mỗi đợt cao điểm hành động thì mọi việc có vẻ như đâu vẫn đấy, chẳng thay đổi mấy. Vậy nên cần có cách làm mới cho hoạt động này. Hy vọng, sau đợt cao điểm hành động này, vùng an toàn của sản phẩm chăn nuôi trong nước từng bước được mở rộng, đem lại sự an tâm cho người tiêu dùng.
Theo Thanh Hiền/kinhtenongthon.com.vn