Làm sao ổn định chăn nuôi heo?

Chăn nuôi heo thời gian qua chứng kiến sự thay đổi thất thường của thị trường khi giá heo lên xuống liên tục. Tuy nhiên với mức giá như hiện nay, đã phản ánh giá trị thực của sản phẩm. Các ngành chức năng đang tìm cách để ổn định thị trường thịt heo từ nay cuối năm…

Tình hình thế giới

Tháng 8/2018, tình hình dịch bệnh trên heo diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trên thế giới. Tại Pháp, dịch bệnh than nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua, đã bùng phát khi thiếu hụt vaccine phòng bệnh và hiện đã lan ra 28 trang trại ở khu vực miền Đông Nam nước này. Tại Canada, dịch tiêu chảy cấp trên heo cùng với các lệnh kiểm soát môi trường của Chính phủ nước này khiến sản lượng thịt heo giảm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự bùng phát của dịch bệnh sốt heo châu Phi (ASF) đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ ASF sẽ lan rộng ra khắp đàn heo tại Trung Quốc, cũng như lan sang các nước khác ở châu Á. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng Việt Nam cần kiểm soát chặt các khu vực đường biên giới, đề phòng trường hợp heo từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. 

Phát triển trong nước

Giá heo hơi cả nước trong tháng 8/2018 ổn định và có xu hướng giảm bình quân từ 500 - 1.500 đồng/kg so với tháng 7/2018; giá giữa các vùng không có nhiều biến động, cụ thể, giá heo hơi bình quân ở miền Bắc đang được thu mua 51.000 - 52.000 đồng/kg, giá heo hơi ở miền Nam dao động 50.000 - 51.000 đồng/kg còn tại miền Trung là 49.000 - 50.000 đồng/kg. 

Nguyên nhân, do giá heo hơi bắt đầu tăng từ tháng 4/2018 và giữ ở mức cao trong 2 tháng gần đây đã khiến các hoạt động đầu tư tái đàn, tăng đàn diễn ra khởi sắc hơn trên cả nước, đặc biệt là một số doanh nghiệp và các trang trại lớn đã cung cấp ra thị trường nguồn cung heo giống đáp ứng cho nhu cầu của hoạt động sản xuất chăn nuôi. Hiện nay đàn heo nái nuôi tại các doanh nghiệp đã tăng bình quân 11,5% so với cùng kỳ năm 2017 (Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam có gần 270 nghìn heo nái, tăng khoảng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017; Tập đoàn CJ Vina có khoảng 56 nghìn heo nái, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2017; Công ty CP Tập đoàn Dabaco có khoảng 32,8 nghìn con heo nái, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017…). Theo Tổng cục Thống kê, ước tính đến tháng 8/2018, tổng đàn heo cả nước tăng khoảng 0,2% so với cùng thời điểm năm 2017. 

Trong thời gian qua, đã có hiện tượng heo thịt, nhất là heo nái thải loại từ Trung Quốc nhập lậu vào trong nước ở một số tỉnh biên giới; ngoài ra nguy cơ các loại thịt heo đông lạnh giá rẻ của các nước Mỹ, Brazin, Canada, Australia… có thể được nhập khẩu vào nước ta. Bên cạnh đó, xuất phát từ áp lực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra thì việc một số mặt hàng như TĂCN và nguyên liệu, thịt heo, thịt bò hoặc sữa được sản xuất, tiêu thụ trong nước có thể đối mặt với nhiều khó khăn khi có thể phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ một số nước vào Việt Nam. 

  

Dự báo

Với mặt hàng chủ lực là thịt heo, mặc dù giá heo đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên theo các nguồn tin tổng hợp từ doanh nghiệp chăn nuôi và các địa phương thì hiện nay lượng heo thịt tại các trại của người dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nông hộ có số lượng rất nhỏ, chủ yếu lượng heo thịt cung cấp trên thị trường là của các trang trại lớn, các công ty chăn nuôi theo mô hình chuỗi hoặc nuôi gia công, giá heo thịt hơi lại đang ở mức cao nên có thể xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ trong thời điểm ngắn hạn và ở một số nơi. Tuy nhiên, trong quý IV và các tháng cuối năm 2018, nguồn cung heo giống sẽ tăng lên và đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất trong nước, người chăn nuôi cũng tăng đàn, tái đàn nên áp lực lên nguồn cung thịt heo cung cấp cho thị trường dịp lễ Tết và các tháng cuối năm 2018 sẽ giảm; giá heo giống và giá heo thịt hơi sẽ dần ổn định trở lại và khó có khả năng tăng cao hơn nữa. 

  

Một số giải pháp

Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng nhu cầu và ổn định hoạt động phát triển sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là ổn định thị trường heo thịt trong thời gian tới, cơ quan chức năng các cấp và người chăn nuôi cần triển khai hiệu quả một số giải pháp cụ thể sau: 

 + Thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung thịt heo; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết và cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng, như: không đẩy giá heo vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất heo đúng tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá; 

+  Triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt heo và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước, vì hiện nay sản phẩm thịt, trứng gia cầm, nhất là gà vườn, vịt thịt trong sản xuất đang rất nhiều, chất lượng tốt và giá cả phải chăng; 

+ Kiểm tra kỹ và có biện pháp kịp thời hỗ trợ công tác phòng dịch, nhất là vấn đề sử dụng vaccine cho đàn heo nái trên địa bàn do khi giá heo xuống thấp trong năm 2017, người chăn nuôi có thể không chú ý nhiều đến vấn đề sử dụng vaccine; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với thịt heo trên địa bàn. 

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn người chăn nuôi tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học… trong chăn nuôi; hạn chế tăng đàn ồ ạt khi giá tốt vì nếu tăng mạnh làm cho nguồn cung dồi dào giá heo giống, giá heo hơi sẽ giảm; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương triển khai các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi để tiếp cận yêu cầu của thị trường xuất khẩu, chính sách hỗ trợ kết nối sản xuất chăn nuôi với thị trường tiêu thụ. 

>> Cục Chăn nuôi nhận định, giá heo hơi trong nước hiện nay đang là giá thật, phản ánh đúng quan hệ cung cầu và có lợi hơn cho người chăn nuôi, nhưng cũng là chấp nhận được đối với người tiêu dùng, vì hơn một năm qua người tiêu dùng trong nước đã được sử dụng thịt heo vừa ngon vừa rẻ nhất trong khu vực.

Bùi Hải Nguyên 

(Cục Chăn nuôi)