Liên kết chăn nuôi làm giàu: Mô hình liên kết ngang

Liên kết chăn nuôi làm giàu: Mô hình liên kết ngang
Trong mô hình này, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (điển hình là các HTX, tổ hợp tác) liên kết lại nhằm hỗ trợ nhau đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển.

 

Liên kết chăn nuôi trong HTX, tổ hợp tác đang phát triển rộng khắp

Liên kết chăn nuôi trong HTX, tổ hợp tác đang phát triển rộng khắp

Trong liên kết, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi; đồng thời đóng vai trò là “cầu nối” giữa bà con xã viên với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 10.000 HTX nông nghiệp (trong đó chủ yếu là HTX trồng trọt, chăn nuôi) và khoảng 140.000 tổ hợp tác với trên 2,3 triệu thành viên tham gia. Tổ hợp tác hình thành và phát triển rộng khắp trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tuy nhiên tập trung lớn vẫn là trong nông nghiệp.

Kinh tế hợp tác luôn được Đảng và Nhà nước xác định có vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Luật HTX cùng nhiều quyết định, chính sách kịp thời hỗ trợ, khuyến khích các mô hình liên kết phát triển như: Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT năm 2013 về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và 65/2011/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản hoặc các cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng để kết nối chuỗi… Các hình thức liên kết, các mô hình sản xuất mới ra đời đã mở ra hướng đi, tạo động lực mới trong sản xuất chăn nuôi.

Khi mở rộng hình thức liên kết trong HTX (liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp - liên kết 4 nhà), người chăn nuôi sẽ tránh được tình trạng sản xuất manh mún. Một số mô hình liên kết sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc có sự gắn kết của các “nhà” đã thành công, như Sơn La, Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…

Kinh nghiệm của nhiều nơi đã thành công là các chính sách hỗ trợ của nhà nước, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho các nông hộ cần chuyển hỗ trợ thông qua nhóm hộ hoặc HTX. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy hiệu quả chăn nuôi của các HTX đã mang lại lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi.

Ví dụ, tại HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TP.HCM) thu nhập bình quân của từng hộ thành viên HTX đạt 500 - 600 triệu đồng/năm. HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Hà Nội) đang có hàng trăm trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm với quy mô lớn, vừa và nhỏ, chia thành 2 hướng: Chăn nuôi công nghiệp khép kín tập trung và theo hướng bán công nghiệp. Phương thức chăn nuôi cũng được chia làm 2 mô hình: Mô hình liên kết gia công cho các công ty và mô hình tự đầu tư chăn nuôi theo hướng thị trường. Sự liên kết này đã giúp cho các thành viên chăn nuôi nâng cao kiến thức, phòng chống dịch bệnh tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo K.N
http://m.nongnghiep.vn/lien-ket-chan-nuoi-lam-giau-mo-hinh-lien-ket-ngang-post176241.html