Nhiều nông dân đổ nợ với cá tra
- Thứ năm - 06/08/2015 00:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dù diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL bị thu hẹp do hàng loạt nông dân bỏ nghề nhưng cá tra vẫn khó tiêu thụ, giá bán dưới giá thành. Ngay cả những doanh nghiệp (DN) đầu tư vùng nuôi cũng gặp khó do xuất khẩu giảm, giá bán thấp.
Tại các vùng chuyên nuôi cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL, hàng ngàn hecta ao nuôi cá tra đang bị bỏ hoang, nông dân ôm nợ nhưng có rao bán ao nuôi cũng chẳng tìm được người mua.
Ao nuôi cá tra thành nơi... thả vịt
Từng là vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu, phần lớn ao nuôi tại vùng ven sông Hậu thuộc huyện Phú Tân, An Giang giờ đây bỏ trống hoặc chuyển qua nuôi nhỏ lẻ các loại cá tiêu thụ nội địa. Nơi nơi người dân tận dụng mặt ao thả rau nhút, thả vịt, ương lấy trứng nước bán kiếm sống qua ngày.
Đang làm cỏ trên bờ dãy ao bỏ hoang ở xã Phú Bình, bà Lê Thị Nga cho biết mấy năm nay giá cá luôn thấp, bị thua lỗ liên tục, nhiều hộ nơi đây phải từ giã cái nghề gắn bó suốt 20 năm nay. “Tiền mua đất, đào ao, làm bơm điện tốn bạc tỉ mà nay ai cũng bỏ hoang, thiệt uổng!” - bà Nga tiếc nuối.
Mấy hộ lân cận cho biết nuôi cá thua lỗ họ kêu bán ao để trả nợ, lấy vốn chuyển sang nghề khác mà chẳng ai đoái hoài tới. Bế tắc trong chuyện mưu sinh nhiều gia đình dắt díu nhau đi tứ xứ làm mướn, làm thuê...
Trại nuôi cá của hộ Lê Văn Mạnh (Thới Hòa, Ô Môn, TP Cần Thơ) trước đây luôn có bảy nhân công làm việc giờ trống hoác, máy móc bỏ lăn lóc giữa cỏ dại đến gỉ sét. Ngồi bó gối trong căn nhà mái tôn xập xệ, ông Mạnh kể sau nhiều vụ nuôi cá tra thua lỗ, gia đình ông đã bán đất để trả ngân hàng 1,2 tỉ đồng, hiện vẫn còn nợ 940 triệu đồng và đang tiếp tục kêu bán cái ao cuối cùng mà không được. Mấy năm nay vợ ông chăm lo mấy bầy vịt để kiếm tiền cho hai con đi học.
“Thấy ao bỏ không tiếc quá nên tôi nuôi cá bột để bán giống. Nhưng do ai cũng treo ao, giá giống cá tra rớt thảm hại nên lại tiếp tục thua lỗ” - ông Mạnh nói.
Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh An Giang, mấy năm nay giá cá tra nguyên liệu thường thấp dưới giá thành khiến nông dân thua lỗ kéo dài, ngân hàng cũng hạn chế cho vay dẫn tới mất khả năng đầu tư, từ đó diện tích nuôi giảm mạnh và vẫn tiếp tục giảm. Trong 850ha nuôi cá tra trên địa bàn, hiện chỉ còn khoảng 170ha được nuôi cá.
Bà Lê Ngọc Diện, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết diện tích nuôi cá tra của TP có lúc lên 1.300ha nay chỉ còn 713ha, chủ yếu của DN. Phần lớn nông dân đã bỏ nghề, chuyển sang nuôi mấy loại thủy sản nhỏ lẻ khác hoặc cho DN thuê ao. Trong khi đó, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, hơn 400ha ao nuôi trên địa bàn hiện bỏ không. Nhiều người dân rao bán ao lấy tiền trả nợ nhưng chẳng ai mua.
Đầu ra ngày càng thu hẹp
Dù diện tích nuôi bị thu hẹp, nhưng từ đầu năm tới nay giá cá tra vẫn thấp dưới giá thành và rất khó bán. Ông Nguyễn Văn Thanh (Lấp Vò, Đồng Tháp) cho biết chỉ nuôi một ao cá giống, còn bỏ trống hai ao.
Đầu năm cá giống rớt giá lại thấy hàng loạt hộ khác bỏ nghề nên hi vọng giá cá sẽ tăng trở lại, ông đã vay mượn thêm vốn để nuôi cá giống thành cá thịt. “Cá vào lứa thu hoạch từ hai tháng nay, chỉ nghe nói giá thị trường khoảng 20.000 đồng/kg mà chẳng thấy DN nào mua” - ông Thanh lo lắng.
Giá cá tra nguyên liệu hiện chỉ bán được ngoài 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg, chưa kể bị DN chiếm dụng vốn kéo dài khiến nhiều nông dân điêu đứng. Ông Hồ Văn Tiểu (Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) cho biết đã bị một DN “neo” 1,8 tỉ đồng tiền bán cá từ cuối năm đến nay mà không biết cách nào đòi.
Theo hiệp hội thủy sản các tỉnh ĐBSCL, nhiều DN còn nợ tiền mua cá hàng trăm tỉ đồng mất khả năng chi trả, vì vậy khi bán cá nông dân đòi “tiền trao cháo múc” ngay khiến các DN khó mua cá dẫn tới việc tiêu thụ càng thêm khó khăn.
Theo ông Phan Văn Năm - phó Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), hầu như DN đều có vùng nuôi riêng hoặc chuyển qua làm gia công nên cá của nông dân nuôi rất khó tiêu thụ. Chẳng hạn, An Giang có 24 DN đầu tư nuôi cá tra với tổng diện tích 684ha ước sản lượng 200.000 tấn/năm, Đồng Tháp có gần 40 DN với vùng nguyên liệu ước cho sản lượng 300.000 tấn/năm.
“Một khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp họ sử dụng nguồn nguyên liệu của mình cho chế biến xuất khẩu, khiến cá nuôi trong dân bí đầu ra. “Sân chơi” giờ chỉ dành riêng cho những DN đại gia...” - ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, nói. Do diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp, hàng loạt cơ sở sản xuất giống tại ĐBSCL cũng đóng cửa.
Theo Hiệp hội Cá tra VN, cá tra rớt giá và khó tiêu thụ do đồng euro thời gian qua giảm giá, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn và ảnh hưởng từ việc rà soát thuế chống bán phá giá của phía Mỹ, trong khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
Nhiều DN cho biết dù chủ động nguyên liệu nhưng việc đầu tư này cũng không mấy hiệu quả bởi đòi hỏi vốn khá lớn, chưa kể nhiều chi phí phát sinh trong khâu quản lý, sản xuất.
“Giá thành nuôi cá cao hơn nông dân nuôi, trong khi giá xuất khẩu thấp do cạnh tranh, do các rào cản thương mại nên cũng... chết dở” - một số DN nhìn nhận.
Ông Võ Hùng Dũng (tổng thư ký Hiệp hội Cá tra VN): Phải tập trung phát triển thị trường Trong chuỗi ngành hàng cá tra từ khâu con giống, nuôi, chế biến cho đến phát triển thị trường đều tồn tại những hạn chế cần phải tái cấu trúc. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần quy hoạch lại và hoàn chỉnh các vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap, Global GAP, cải thiện chất lượng con giống để đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, ngoài việc nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, làm tăng giá trị sản phẩm cá tra qua đầu tư chế biến sâu, các doanh nghiệp phải tập trung phát triển thị trường bởi đây là điều kiện sống còn của ngành cá tra. |