Nông dân muốn khởi nghiệp phải là 'chiến binh'

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, để khởi nghiệp thành công, nông dân phải trở thành các "chiến binh" thực sự.
"Hội nghị tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp" 18-9

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, để khởi nghiệp thành công, nông dân phải trở thành các “chiến binh” thật sự, có tinh thần quyết tâm cao khi tham gia mặt trận kinh tế. Đồng thời phải trang bị cho mình những chiếc “áo giáp”, đó chính là khoa học kỹ thuật, hiểu biết về pháp luật, thị trường…

Khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện đang dần trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam. Ngày càng nhiều các công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam bởi nông nghiệp vốn là một lợi thế đặc biệt của đất nước và khởi nghiệp là phương thức hữu hiệu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Theo ông Hoàng Trọng Thủy - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn, những nông dân khởi nghiệp trong nông nghiệp cần có tinh thần “chiến binh” ra mặt trận với quyết tâm cao. Tinh thần này phải thể hiện rõ từ tầm chính sách phát triển của Chính phủ đến tư tưởng, tình thần của lãnh đạo các cấp và ở từng người nông dân cụ thể.

Hiện nay, các giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra cho nông dân khởi nghiệp chưa thể hiện rõ tinh thần “chiến binh” này nên khó kêu gọi các “chiến sĩ nông dân” tham gia “mặt trận” kinh tế.

“Rõ ràng những mô hình khởi nghiệp thành công đều khác nhau ở đẳng cấp sản phẩm. Như mô hình đông trùng hạ thảo, nuôi vịt trời, cấy ngọc trai khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm làm giàu từ nuôi gà, hay nuôi lợn... Chính nông dân là những người làm chủ cuộc chơi đó”.

“Theo tôi, cần xác định rõ nông dân khởi nghiệp cần gì để hỗ trợ cho kịp thời, phù hợp. Trước hết, cái nông dân cần chính là nguồn vốn. Vốn ở đâu, tiếp cận như thế nào cho thuận tiện… phải làm cho rõ ràng. Thứ hai, muốn tiến vào thị trường phải hiểu thị trường, biết thị trường có bao nhiêu rào cản, khó khăn…

Nắm được thông tin thị trường, người nông dân khởi nghiệp mới có thể đưa ra quyết định lựa chọn đầu tư, kết hợp với các DN, nhà khoa học như thế nào… Hiện, khâu thông tin thị trường chưa được đáp ứng thỏa đáng”, ông Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Thủy, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng: Phải có pháp luật để bảo vệ người nông dân khởi nghiệp, tuy nhiên bản thân người nông dân cũng phải hiểu pháp luật, nắm được pháp luật, trên cơ sở đó biến pháp luật trở thành công cụ của mình.
 
Ngoài ra, tinh thần “chiến binh” trong khởi nghiệp không chỉ thể hiện ở việc sẵn sàng “xung phong” vào “trận chiến” kinh tế mà còn phải biết lựa chọn phát triển các sản phẩm đẳng cấp để phát triển. Khởi nghiệp khác với lập nghiệp thông thường. Khởi nghiệp gắn liền với ý tưởng kinh doanh, tinh thần đổi mới sáng tạo .
 
Theo Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. Cụ thể, nông dân, DN khởi nghiệp trong nông nghiệp cần được tiếp cận với thị trường trong khu vực và quốc tế.
 
Do vậy, họ cần được tạo điều kiện ưu tiên tham gia thị trường mua sắm công; tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm. Hàng hóa của DN khởi nghiệp cần được thường xuyên cập nhật, công nhận để có thể kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới của mình trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp thông qua việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần...
 
“Các DN nông nghiệp muốn phát triển rất cần một môi trường pháp lý thuận lợi, do đó nhà nước cần phải xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để các DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; có các chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp”, ông Tùng nói.
 
Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng: Nông dân muốn khởi nghiệp phải được hỗ trợ đầy đủ năm yếu tố về đất đai, vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đi kèm. Những điều kiện này nông dân không thể làm được một mình mà cần sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nông dân hiện nay đang chịu rất nhiều thiệt thòi. Do chưa có khả năng sử dụng công nghệ, mới sản xuất thô chưa qua chế biên phân loại sản phẩm nên giá trị hàng hoá vẫn rất thấp.
 
Minh Thương ( Tổng hợp)/nongthonviet.com