Nông sản Việt phải xác định thị trường trước khi sản xuất

Trong bức tranh xuất khẩu của VN có 2 thị trường đại diện cho hai thái cực trái ngược nhau là Mỹ và Trung Quốc (TQ). Mỹ là nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% tổng sản phẩm.
Chế biến nông sản tại một nhà máy - Ảnh: Chí Nhân
Ở chiều ngược lại, gạo, thanh long, khoai lang, vải thiều, sắn... Trung Quốc là thị trường chính, chiếm từ 30 - 90% tổng kim ngạch xuất khẩu theo từng mặt hàng. Bán cho Mỹ thì tiêu chuẩn cao nhưng chắc chắn, còn bán cho TQ lại rủi ro... Những mâu thuẫn này đang khiến ngành nông nghiệp trong nước tiến thoái lưỡng nan. Theo các chuyên gia, muốn phát triển nông nghiệp, trước tiên phải xác định được chúng ta sản xuất ra nông sản để bán cho ai?
Xác định khách hàng trước khi sản xuất
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng để tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, đầu tiên phải bắt đầu bằng việc xác định lại đối tượng khách hàng của mình là ai để đáp ứng đúng yêu cầu của họ và phải làm ăn thật. Nếu muốn không lệ thuộc vào thị trường TQ thì chúng ta phải thay đổi chính mình. Nếu cứ làm ra sản phẩm theo cách của chúng ta mà không trúng vào khách hàng mục tiêu nào thì sẽ không ai mua hàng và bắt buộc phải bán đổ bán tháo như liên tục xảy ra những năm gần đây.
Ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời, phân tích: TQ vẫn là một thị trường lớn và chúng ta không thể bỏ qua thị trường này. Nhưng xuất khẩu qua TQ thường xuyên gặp khó khăn do chính sách của họ. Trong khi đó, các thị trường cao cấp đặt ra các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm. Để quản lý được chất lượng thì phải sản xuất theo chuỗi giá trị. “Xác định bán cho các thị trường cao cấp, trong những năm qua Lộc Trời đã xây dựng chuỗi giá trị và trong khoảng 3 năm nay gạo chất lượng cao của công ty này đã được xuất khẩu với giá cao hơn gạo thường từ 5 - 10%, tương đương từ 30 - 60 USD/tấn. Đây chính là cái giá chênh lệch tối thiểu mà khách hàng trả cho các sản phẩm an toàn chất lượng của chúng tôi”, ông Thọ nói.
Nhiều doanh nghiệp VN cũng đã xác định được khách hàng mục tiêu và từng bước triển khai các dự án nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn cao của thế giới. Có thể kể đến như doanh nghiệp Cỏ May (Đồng Tháp) đang đầu tư công nghệ với mục tiêu chế biến sâu, biến các loại phế phẩm từ gạo thành chính phẩm như tinh dầu gạo, nấm rơm sạch; còn Vinamit chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm mít sấy hữu cơ; nuôi tôm theo tiêu chuẩn sinh thái ở Cà Mau...
Xây dựng ngành công nghiệp chế biến
Nhìn thẳng vào thực tế trì trệ của ngành nông nghiệp, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN, chua xót: “Tôi chỉ mong TPP “vô sớm” để các doanh nghiệp nước ngoài họ vào, để họ dạy cho chúng ta những bài học đắt giá. Có như vậy mới làm động lực cho chúng ta thay đổi”.
GS Bửu bức xúc: “Những vấn đề chúng ta đang bàn thật ra không mới, mà đã được bàn từ các kỳ Đại hội Đảng cách đây khoảng 15 năm. Nhưng thực tế chỉ là hô hào khẩu hiệu còn làm thì không đáng kể. Ngoài thủy sản là ngành chế biến sâu, hạt điều chế biến được một ít thì nông sản của chúng ta chỉ toàn xuất khẩu thô. Nếu cách đây 15 năm chúng ta đặt mục tiêu phát triển công nghệ chế biến từng bước thì đến thời điểm này đã khác nhiều lắm rồi. Phát triển công nghệ chế biến và chế biến sâu phải có lộ trình chứ không thể hô hào là được”.
Muốn phát triển công nghệ chế biến cần phải có chính sách đầu tư phát triển của nhà nước. “Tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp theo báo cáo là 5,6% (Nghị quyết 10%) nhưng thực tế tại các địa phương ở ĐBSCL theo tôi biết chỉ từ 2 - 4%. Với mức đầu tư như vậy, nông nghiệp không thể phát triển. Cần phải có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp để họ có vốn đầu tư vào công nghệ, đẩy mạnh chế biến. Ví dụ như mặt hàng trái cây, là sản phẩm ăn tươi mà bị dội chợ thì chết ngay. Phải có phương án dự phòng là chế biến đóng hộp thì sẽ tốt hơn. Bao giờ cũng phải đặt ra rủi ro để có giải pháp phòng ngừa. Còn chạy theo thị trường sẽ rơi vào tình huống khó khăn”, GS Bửu phân tích.
Cũng theo GS Bửu, các ngành chức năng đã chưa làm hết trách nhiệm, đặc biệt là ở khâu nghiên cứu thị trường. “Chúng ta đã đặt quan hệ ngoại giao với khoảng 180 nước trên thế giới. Lẽ ra những người phụ trách thương mại tại các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài phải đóng vai trò làm cầu nối, xúc tiến thương mại cho hàng nông sản. Trên thực tế, họ chưa làm hết chức năng của mình”, ông Bửu nói.

Theo Chí Nhân/thanhnien.vn