Nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch: Bất ổn

Nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch: Bất ổn
Lợi nhuận cao từ mô hình nuôi tôm công nghiệp cuốn hút nhiều nhà nông Cà Mau gom hết vốn liếng thực hiện cho bằng được. Thành công đã có, thất bại cũng không ít, nhưng đằng sau chuyện “tự phát” ấy còn khá nhiều bất ổn…

Bỏ “quảng canh” nuôi công nghiệp

Chúng tôi về Tân Lộc Đông, xã nuôi tôm sú đầu tiên của vùng ngọt hóa huyện Thới Bình. Tới địa bàn ấp 4 rồi qua ấp 6, tiếng máy dầu sình sịch vang đều khắp xóm. Anh Lê Văn Hồng, cán bộ xã đi cùng nói, đó là động cơ sử dụng nhiên liệu để hộ nuôi công nghiệp chạy quạt nước tạo ô xy cho đầm tôm. Nhiều hộ bỗng giàu lên cũng nhờ nuôi thứ ấy.

Ông Khen bên ao tôm chuẩn bị thu hoạch trị giá bạc tỷ.

Chúng tôi dừng xe, men theo bờ vuông tôm quảng canh một đoạn để tới đồng tôm của ông Lý Văn Khen, một trong những người đầu tiên của ấp 6 phất lên nhờ tôm công nghiệp. Tiếp chuyện  chúng tôi trong căn chòi nhỏ để giữ đồng, ông Khen cho hay, hồi trước nuôi tôm theo kiểu quảng canh truyền thống, thất nhiều hơn trúng nên gia đình chỉ tạm đủ ăn. Đi nhiều vùng chuyên nuôi tôm công nghiệp ở Đầm Dơi, Cái Nước, thấy bà con nuôi lời quá nên mang hết tiền để dành, mượn thêm tiền của người thân đầu tư nuôi công nghiệp từ giữa năm 2013 tới nay.

Vụ đầu, ông Khen nuôi 1 ao (2.800m2), thu được 5,1 tấn tôm thẻ chân trắng, bán được hơn 800 triệu đồng, lời gần 400 triệu đồng. Có tiền “rủng rỉnh”, ông nới rộng ao nuôi từ 2.800m2 lên 3.000m2 để thả 200.000 con tôm thẻ. Đến nay, tôm được hơn 2,5 tháng, trọng lượng khoảng 60 con/kg. Nếu không có gì trở ngại, ông Khen tính đến thời điểm thu hoạch ước không dưới 7 tấn. Với giá tôm ổn định như hiện nay, ông thu hơn 1 tỉ đồng, lời thấp lắm cũng hơn nửa tỉ đồng.

Xung quanh ao tôm thẻ sắp thu hoạch của ông Khen, chúng tôi còn thấy có ít nhất 4 đầm nuôi công nghiệp sắp hoàn thiện, hai đầm khác đang được chủ hộ xử lý nền đáy ao bằng vôi bột. Xa hơn một chút, ông Khen cho hay, khu đất dùng làm ao lọc nước và tương lai sẽ thành những đầm tôm công nghiệp nếu nuôi thành công.

Cách khu nuôi của ông Khen chưa đầy 2 cây số là đồng tôm của hộ các ông Lê Văn Hải, Lý Thanh Trường và hàng chục hộ ở địa bàn ấp 6 và ấp 7, xã Tân Lộc Đông. Các hộ ấy thấy ông Khen nuôi thành công nên bắt chước.

“Canh bạc” nuôi tự phát

Trong năm 2014, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau tăng lên gần 8.000ha, nhưng phần lớn hộ nuôi tự phát, ngoài vùng quy hoạch. Ngọc Hiển là vùng rừng, đất xốp, mới thí điểm vài hộ nuôi tôm công nghiệp nhưng diện tích tự phát trong năm  lên đến 30ha. Tại huyện Phú Tân, quy hoạch giai đoạn 2010-2015 chỉ 827ha, nhưng đến nay diện tích nuôi tôm công nghiệp đã gần 2.000ha. Trước tình thế ấy, chính quyền buộc phải rà soát, bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 2014-2015 là 3.000ha. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Tân, ông Nguyễn Văn Den cho biết, hộ nuôi tự phát ngoài vùng quy hoạch khiến hạ tầng vùng nuôi không theo kịp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh.

Còn tại vùng chưa được quy hoạch nuôi tôm công nghiệp như huyện Thới Bình, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện rà soát đến nay trên địa bàn đã có trên 80ha nuôi công nghiệp tự phát. Riêng xã Tân Lộc Đông có gần 20ha. “Với tiến độ thuê cơ giới múc đầm tôm như hiện nay thì diện tích nuôi tôm công nghiệp tự phát tăng lên hơn gấp đôi so với hiện tại”, ông Trần Chí Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Đông, cho biết.

Ông Cường bày tỏ lo lắng, chuyện nuôi tự phát tồn tại nhiều bất ổn, khó cả cho chính quyền và hộ nuôi. Do nằm ngoài vùng quy hoạch nên hộ nuôi không được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường khi bị dịch bệnh và cả đầu tư hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là về thủy lợi và điện ba pha.

Về chuyện nuôi tôm công nghiệp, ông Khen cho biết, do nuôi tự phát, chưa nắm vững kỹ thuật nên ông phải nhờ bên cung ứng thuốc, thức ăn hỗ trợ kỹ sư tư vấn, tốn thêm khoản tiền không nhỏ. “Ở đây chưa có nguồn điện ba pha, điện chạy quạt ôxy chập chờn nên tôi mua luôn bình điện hết 170 triệu đồng. Đó là chưa kể mỗi tháng phải trả vài triệu đồng tiền điện, tới đây chắc hơn 10 triệu đồng mỗi tháng vì tôi đang mở rộng vùng nuôi”, ông Khen nói.

Chia sẻ với những trăn trở của người dân địa phương, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thới Bình, cho biết, lãnh đạo huyện đã làm kế hoạch trình lên tỉnh xin quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp ở những vùng hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhưng còn thiếu tính pháp lý. Tỉnh xác định từ nay đến năm 2020 chưa thể khép kín được vùng ngọt hóa Thới Bình thì cũng mong tạo điều kiện giúp bà con trên địa bàn có nơi để nuôi tôm công nghiệp tập trung, chứ cứ để bà con tự phát như hiện tại thì “căng”.

Nhằm tạo bước đột phá về sản lượng và chất lượng cho con tôm Cà Mau đến năm 2015, tỉnh đã phê duyệt 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung quy mô gần 2.000ha thuộc xã Hòa Tân (TP. Cà Mau) và xã Tân Trung (huyện Đầm Dơi). Sau khoảng 4 năm kể từ ngày được phê duyệt, việc thực hiện vùng nuôi quy hoạch chưa có nhiều chuyển biến. Tại vùng quy hoạch nuôi công nghiệp tập trung xã Tân Trung, địa phương cho hay người dân khu vực được quy hoạch đồng tình cao nhưng nhà đầu tư (Công ty Phú Cường) thuê đất với giá rẻ, lại thanh toán bằng hình thức trả dần nên bà con chưa đồng thuận. Còn vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở xã Hòa Tân, theo quy hoạch, nguồn vốn để phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp này là 1.564 tỉ đồng (vốn của dân 1.512 tỉ đồng, vốn từ ngân sách Nhà nước 52 tỉ đồng). Hiện tại, dự án đã được xây dựng xong, thiết kế cũng đã hoàn chỉnh nhưng khi khảo sát thực địa thì nhân dân đồng thuận không cao do nhiều nguyên nhân. Hệ lụy là dự án bị “tạm ngừng” vô thời hạn.

Mới thấy, nuôi tôm công nghiệp trong vùng quy hoạch được tạo điều kiện hỗ trợ về nhiều mặt đã khó, thì những hộ nuôi tự phát còn khó đến mức nào.

nguồn: kinhtenongthon.com.vn