Phát triển NTTS bền vững: Quy hoạch giống phải được ưu tiên

Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản (NTTS) chưa được đầu tư tương xứng với sản xuất; môi trường bị suy thoái nghiêm trọng; dịch bệnh ngày càng gia tăng khó kiểm soát... là những thách thức mà ngành NTTS đang phải đối mặt. Do đó, để phát triển bền vững, việc quy hoạch giống đảm bảo chất lượng đã và đang là nhiệm vụ được ưu tiên.
Nâng cao chất lượng con giống là mục tiêu hàng đầu của nhiều trại sản xuất Ảnh: Huy Hùng

Yêu cầu đủ giống tốt và đa dạng

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng thủy sản ước 3,328 triệu tấn, tăng 4,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác 1,66 triệu tấn, tăng 4,7%, nuôi trồng 1,67 triệu tấn, tăng 3,8%.

Dù đã đạt được những kết quả khích lệ, song NTTS vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư tương xứng với phát triển của sản xuất; môi trường đang bị suy thoái và nguy cơ ô nhiễm; dịch bệnh ngày càng gia tăng khó kiểm soát và đặc biệt là nguồn giống hiện nay chưa đáp ứng được cả về số lượng, chất lượng và chủng loại đa dạng với nhu cầu của thị trường, vì vậy NTTS tăng nhanh nhưng đang bộc lộ sự thiếu bền vững.

Sang giai đoạn từ năm 2011 - 2020, ngành NTTS đặt mục tiêu đạt sản lượng 4,5 triệu tấn năm 2020. Trong đó sản lượng một số đối tượng chủ lực như cá tra là 1,5 - 2 triệu tấn, tôm nước lợ 700.000 tấn, nhuyễn thể 400.000 tấn, cá biển 200.000 tấn, cá rô phi 150.000 tấn, rong tảo biển 150.000 tấn và tôm càng xanh 60.000 tấn. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hoàn thành mục tiêu này chính là yêu cầu phải đáp ứng đủ giống tốt và đa dạng phục vụ cho nuôi trồng.

Bước đột phá quy hoạch

Theo những người nuôi NTTS có kinh nghiệm, để một vụ nuôi thành công cần phải chú trọng 4 yếu tố: “Nhất giống, nhì môi, tam nghề, tứ thuốc”, như vậy nghĩa là nếu mua phải những con giống kém chất lượng thì người nuôi đã thua ngay từ yếu tố đầu tiên. Hiểu rõ tầm quan trọng của con giống trong việc phát triển NTTS, Bộ NN&PTNT đã sớm ban hành “Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020” với mục tiêu đến năm 2020 chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng, trong đó 75% các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là giống tiến bộ được chọn tạo có nhiều đặc tính tốt và sạch bệnh. Cụ thể, sản xuất giống tôm sú đến năm 2020 đạt 29 tỷ PL15/năm, công suất tối thiểu 30 triệu con/trại/năm; Giống tôm thẻ chân trắng đạt 57 tỷ PL12/năm, công suất tối thiểu 150 triệu con/trại/năm; Giống cá tra ở các tỉnh nuôi trọng điểm vùng ĐBSCL đạt 3,5 tỷ con; Giống cá rô phi đạt 300 triệu con, công suất tối thiểu 5 - 10 triệu con/trại/năm; Đối với các giống cá truyền thống, tập trung vào nâng cao chất lượng, bổ sung giống mới làm phong phú cơ cấu đàn giống để sản xuất được nhiều đối tượng, chất lượng cao, sạch bệnh, cung cấp đủ cho nuôi trồng, phấn đấu có 400 trại sinh sản nhân tạo, quy mô mỗi trại tối thiểu 60 triệu cá bột/năm...

Để đạt những mục tiêu này, Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp ưu tiên thực hiện như: Xây dựng các vùng sản xuất giống tập trung ở nơi có điều kiện thuận lợi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường để tạo được số lượng lớn và kiểm soát tốt chất lượng giống. Nâng cấp, phát triển các trung tâm giống thủy sản nhằm hình thành hệ thống nghiên cứu thực nghiệm và cung cấp đàn bố mẹ, đàn hậu bị cho các cơ sở sản xuất giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống, tham gia cung cấp giống thủy sản kinh tế cho nhu cầu nuôi. Đầu tư xây dựng ba trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định NTTS tại ba miền: miền Bắc (Hải Phòng), miền Trung (Khánh Hòa), miền Nam (Cần Thơ, Sóc Trăng) và hình thành hệ thống khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định giống thủy sản trên toàn quốc. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống bố mẹ tôm sú, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, giống cá tra và một số giống thủy hải sản chủ lực khác. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích phát triển do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các tổ chức, cá nhân đầu tư để nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản được hưởng các chính sách về đất đai và đầu tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... 

 

>> Quy hoạch định hướng tập trung đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống các đối tượng NTTS chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ lớn như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá biển, nhuyễn thể, cá tra, rô phi... và các loài bản địa có giá trị kinh tế hoặc có nguy cơ tuyệt chủng; Chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ từ nghiên cứu vào sản xuất để đa dạng hóa các đối tượng, đáp ứng được nhu cầu NTTS bền vững.

 

Nguồn: Tạp Chí Thủy sản Việt Nam