Tái cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh
- Chủ nhật - 30/11/2014 20:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tổ chức lại sản xuất; Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các nông hộ sản xuất nhỏ và hình thành các vùng chuyên canh lúa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật… là những nội dung chính được nêu lên tại hội thảo “Tái cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới”. Hội thảo do Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức sáng 26/11 tại Hà Nội.
Thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Viện nghiên cứu lúa quốc tế triển khai các nghiên cứu và và tham vấn hỗ trợ kỹ thuật của Viện đối với các lĩnh vực của ngành lúa gạo như: Giống, công nghệ sinh học, sản xuất bền vững và chính sách nhằm giúp cải thiện ngành lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập của nông dân.
Qua khảo sát các vùng sản xuất lúa trọng điểm, Viện nghiên cứu lúa quốc tế đề xuất 6 sáng kiến gồm: Lai tạo giống lúa chất lượng cao và sản xuất thương mại các loại gạo đặc sản đáp ứng nhu cầu nội địa và phục vụ xuất khẩu; Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; Giảm tổn thất sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo; Giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo; Tiếp cận nông hộ nhỏ sản xuất lúa gạo. Đề xuất các chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển lúa gạo chất lượng cao và phát triển ngành nông nghiệp bền vững….
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Lúa gạo là sản phẩm chủ lực đột phá ngành trồng trọt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Quốc Doanh nêu rõ: Ngoài cà phê và hạt điều, lúa gạo được lựa chọn là một trong 3 sản phẩm chủ lực để đột phá trong tái cơ cấu ngành trồng trọt. Mốn thành công trong thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải tập trung tái cơ cấu và đổi mới lại một số ngành hàng nông sản chính, trong đó trước hết là lúa gạo làm sao nâng cao được giá trị gia tăng của lúa gạo phục vụ xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa.
“Ngoài nội lực của Việt Nam, Bộ NN&PTNT rất cần sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong đó có Viện nghiên cứu lúa quốc tế và Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc. Qua hội thảo hôm nay, hi vọng Bộ NN&PTNT và Viện nghiên cứu lúa quốc tế sẽ xây dựng được Khung chương trình hợp tác hiệu quả cao và khả thi khi triển khai trên thực tế thời gian tới đối với ngành lúa gạo Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Các đại biểu trong và ngoài nước cho rằng, cần tập trung làm rõ tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo khu vực địa lý, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Việt Nam. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, diện tích đất đai manh mún ở nhiều địa phương, cần hình thành các vùng chuyên canh trồng lúa, trong đó triển khai thí điểm một số mô hình mẫu tại vùng trọng điểm trồng lúa trên cả nước; Nâng cao chất lượng công tác giống cây trồng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các nông hộ sản xuất nhỏ.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty Giống cây trồng Thái Bình nêu ý kiến: Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp không đến với nông dân sẽ không bao giờ phát triển được hệ thống lúa gạo của Việt Nam. Đây là một chủ thể không thể thiếu trong quá trình phát triển ngành lúa gạo, nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ là người đại diện cho nông dân với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún như hiện nay.
Ông Báo cũng cho biết, hiện Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã hình thành được 60 đầu mối liên kết chuỗi trên cả nước nhưng trên thực tế ở các địa phương có rất ít những đối tác đại diện cho nông dân theo đúng nghĩa là tổ chức kinh tế để có thể ký kết chịu trách nhiệm về pháp lý khi đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp./.
Theo Kinhtenongthon.vn