Tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(Thủy sản Việt Nam) - Ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng đảm bảo đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí:

1. Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng;

2. Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm: Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội; Sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia (VietGAP);

nuôi tôm công nghệ cao

Nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu - Ảnh: Phan Thanh Cường

3. Công nghệ ứng dụng là các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động;

4. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng chuyên canh, diện tích liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên thích hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thủy lợi, điện, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.

5. Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng. Với thủy sản: Sản xuất giống diện tích tối thiểu là 20 ha; nuôi thương phẩm diện tích tối thiểu là 200 ha.

Ngành nông nghiệp Việt Nam hàng năm tạo ra khoảng 20% GDP cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 khoảng 30,8 tỷ USD, năm 2015 đạt 30,45 tỷ USD, tăng 0,2% so năm 2014; là sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp năm 2014 chỉ chiếm trên 1% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước, chủ yếu là quy mô nhỏ. Cùng đó, vấn đề liên kết cũng đang rất lỏng lẻo, nhất là liên kết "bốn nhà". Đây là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp. Đến nay, cả nước mới chỉ có 16 doanh nghiệp (trên tổng số 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Việc chậm trễ ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ bảo quản đang gây thiệt hại cho nông dân, suy giảm động lực phát triển nông nghiệp và cả nền kinh tế. Đây là vấn đề toàn ngành đã biết, chỉ có điều thực thi vẫn rất khó.

Phạm Thu
http://thuysanvietnam.com.vn/