Tín dụng cho nông nghiệp: Thí điểm để đột phá
- Thứ tư - 11/06/2014 21:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 29/5/2014, các ngân hàng thương mại (NHTM) và 4 DN của tỉnh An Giang đã ký kết hợp đồng tín dụng theo chương trình đợt 1 cho vay thí điểm các mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ sản xuất nông sản từ khâu cung ứng đầu vào đến sản xuất-chế biến-tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu nhằm gia tăng lợi ích cho các chủ thể.
Kết quả bước đầu với 4 dự án của 4 DN với tổng mức vốn đầu tư 451,8 tỷ đồng, trong đó các NHTM đã thẩm định và chấp thuận cho vay gần 350 tỷ đồng, với lãi suất vay ngắn hạn 7%/năm; trung hạn và dài hạn là 10-10,5%/năm. Thời gian thí điểm của chương trình được triển khai trong 2 năm để sau đó tổng kết, tính toán nâng tầm về chính sách.
Kết quả bước đầu về con số có thể chưa lớn song dưới góc nhìn cả từ phía những người làm chính sách và những người thụ hưởng chính sách đều tự tin về một tương lai tươi sáng.
Những trăn trở suy nghĩ lâu nay từ hàng trăm cuộc kết nối giữa DN và ngân hàng liên tục diễn ra ở các tỉnh do Thống đốc NHNN trực tiếp chỉ đạo, đang dần hình thành nên một sự đột phá về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn.
Nói như một số đại biểu tại Hội thảo giải pháp phát triển mô hình phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao do NHNN, Bộ NNPTNT và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội mới đây là đang rất cần cuộc cách mạng thứ 2 trong sản xuất nông nghiệp nước ta sau những thành công to lớn của chính sách "Khoán 10".
Cuộc cách mạng này bao hàm rất rộng cả về cải cách chính sách cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, về mô hình sản xuất, về sản xuất nông nghiệp xanh sạch, về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất…
Với tư duy thiết kế chính sách cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hay ứng dụng công nghệ cao tại quyết định 1050/QĐ-NHNN, ngày 28/2/2014 triển khai thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP tháng 2 của Chính phủ, có thể thấy trong quyết định này những bước đi ban đầu có tính đột phá về chính sách tín dụng nông nghiệp xanh, sạch trên các khía cạnh dưới đây.
Phương thức cho vay theo chuỗi giá trị và quản lý theo dòng tiền của toàn chuỗi được xem là khâu quản lý then chốt. Ví dụ, khi liên kết giữa nông dân trong dự án nuôi cá tra, chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH sản xuất, thương mại dịch vụ Thuận An từ khâu sản xuất-chế biến- xuất khẩu, ngân hàng cho vay cả phía Công ty, cho vay một phần đối với các hộ dân; công ty có thể ứng vốn cho hộ nuôi trong dự án (như ứng thức ăn, thuốc thủy sản, hỗ trợ kỹ thuật nuôi). Sau khi thu mua, giữa công ty và hộ dân có đối chiếu thanh toán bù trừ công nợ, phần còn thừa so với công nợ được chuyển trả cho hộ dân qua tài khoản ở ngân hàng. Nếu hộ dân có vay ngân hàng cũng sẽ được tính toán thu hồi nợ theo đúng kỳ luân chuyển.
Quy mô dự án phải đủ lớn tạo ra vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa,có sức lan tỏa, bảo đảm được sự liên kết của các chủ thể trong chuỗi sản xuất cung ứng. Ví dụ dự án nuôi cá tra của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận An và 8 hộ dân với tổng diện tích nuôi cá tra là 39 ha cũng như nhà máy chế biến; dự án liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau màu của Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang với 700 hộ dân có quy mô diện tích chuyên canh tác rau màu 3.750 ha để cung cấp rau màu cho 3 nhà máy chế biến đông lạnh của công ty, trong đó đầu tư một nhà máy mới đầu tư với số vốn 90 tỷ đồng do Ngân hàng NNPTNT An Giang cho vay 72 tỷ đồng thời hạn 11 năm..v.v..
Có thể thấy đối tượng thụ hưởng quan trọng mà chính sách hướng đến là các DN, hợp tác xã làm hạt nhân nòng cốt và hàng ngàn vệ tinh xung quanh là các hộ dân tham gia ký kết hợp đồng với DN và HTX đứng chủ trì chuỗi sản xuất nhằm tạo ra quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chế biến, bao tiêu cả đầu vào và đầu ra. DN hay HTX phải là người chủ trì đưa tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tạo ra năng suất, chất lượng nông sản, tạo ra giá trị gia tăng trong quá trình chế biến để xuất khẩu.
Quyết định 1050 yêu cầu phải có ký kết hợp đồng và ràng buộc trách nhiệm giữa hộ dân và DN hay HTX cũng là cách làm ăn bài bản đúng nguyên tắc thị trường, góp phần xóa đi tình trạng được mùa thì bị tư thương mua gom ép giá, mất mùa, nguyên liệu thiếu hiếm giá cao thì bán ra ngoài.
Bài học những năm qua càng cho thấy sự gắn kết trách nhiệm và niềm tin của các chủ thể tham gia trong chuỗi là tối quan trọng, bảo đảm cho sự thành công của dự án, bảo đảm hài hòa về lợi ích và cũng giảm rủi ro cho các bên tham gia, trong đó có các NHTM. Bên cạnh đó, Quyết định 1050 cũng nêu rõ dự án liên kết sản xuất theo chuỗi phải được UBND tỉnh đề xuất trên cơ sở đánh giá của Sở NNPTNT, được lựa chọn kỹ càng, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch và không chạy theo phong trào.
Mức cho vay lên tới 70% giá trị của phương án, dự án phục vụ cho mô hình sản suất của chuỗi, thời hạn cho vay trên cơ sở thỏa thuận của NHTM với khách hàng nhưng khá linh hoạt theo từng khâu, từng phần công đoạn sản xuất, chế biến tiêu thụ trong chuỗi nhằm giúp chủ thể tiết kiệm tối đa về vốn.
Mức lãi suất 7%/ năm với cho vay ngắn hạn, 10-10,5%/năm với cho vay trung, dài hạn. Khách hàng vay vốn tham gia trong chuỗi sản xuất được thụ hưởng mức lãi suất ưu tiên so với mặt bằng lãi suất hiện tại nhưng công cụ lãi suất vẫn được sử dụng theo đúng nguyên tắc thị trường.
Quyết định 1050/QĐ-NHNN cũng chỉ rõ trong trường hợp không đủ tài sản bảo đảm, NHTM có thể xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm khi kiểm soát được dòng tiền với các chủ thể tham gia trong chuỗi. Một bước đi quan trọng tháo gỡ về tài sản bảo đảm trong khi cho vay của NHTM sẽ không còn là điều kiện quá xem trọng. Đây có lẽ là điều mong đợi rất lớn từ DN, HTX và người dân được thụ hưởng từ chương trình này.
"Khoán 10" và cách thức cho vay trực tiếp hộ nông dân của hệ thống ngân hàng góp phần tạo ra sức bật của ngành sản xuất nông nghiệp nước ta, nhất là sản xuất lương thực trong 30 năm qua. Nay, chương trình thí điểm phương thức cho vay theo chuỗi giá trị sản xuất nông sản kỳ vọng vừa tạo sự đột phá về chính sách, vừa tạo ra sự đột phá về sản xuất nông nghiệp nước ta, tạo ra nhiều vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn, xanh sạch, phát huy được lợi thế cạnh tranh của ngành nông nghiệp nước nhà.
Phạm Xuân Hòe
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN
Nguồn: chinhphu.vn