Từ 1/7 miễn thuế toàn bộ diện tích đất dùng cho sản xuất nông nghiệp

Từ 1/7 miễn thuế toàn bộ diện tích đất dùng cho sản xuất nông nghiệp
Các cơ chế, chính sách tài chính đã tập trung hỗ trợ cả "đầu vào" và "đầu ra" cho sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần bình ổn giá, giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Bộ Tài chính cho biết, ngày 11/11/2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 28/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, từ 1/7/2017, sẽ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng để sản xuất; toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho các tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp không chỉ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nông dân, mà còn khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gắn bó và đầu tư hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất.

Đồng thời, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với việc giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ đã có thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khác như Nghị định số 100/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế  Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế; Thông tư số 219/2013/TT- BTC hướng dẫn thi hành và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT.

Theo đó, chính sách thuế đã bổ sung thêm rất nhiều sản phẩm sản xuất nông nghiệp vào diện không chịu thuế GTGT, bao gồm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu, sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.

Đối với thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 164/2013/TT-BTC quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, trong đó thuế xuất khẩu cà phê, hồ tiêu là 0%; cao su là 0-1%.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; bao tiêu sản phẩm; miễn thủy lợi phí, nhằm hỗ trợ tốt nhất đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

Nhằm giúp người nông dân sản xuất có lãi và ổn định cuộc sống trước bối cảnh giá cả hàng nông sản vẫn còn thấp, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp ngày càng tăng, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh (SXKD) theo quy định của pháp luật, tuy nhiên do tính chất thiết yếu nên một số mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá theo quy định tại Luật giá số 11/2012/QH13.

Theo đó, khi có biến động bất thường về giá, Nhà nước thực hiện bình ổn bằng biện pháp đăng ký giá thì các doanh nghiệp (DN) SXKD phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gửi hồ sơ đăng ký giá với cơ quan quản lý. Trường hợp Nhà nước không công bố các biện pháp bình ổn giá, các DN SXKD phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gửi hồ sơ kê khai giá về cơ quan quản lý Nhà nước.

Trên cơ sở này, Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra và bình ổn giá thông qua việc kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá được DN báo cáo khi thực hiện đăng ký giá, kê khai giá. Mọi trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.


Nguồn tin: tapchitaichinh.vn