Dòng sông Kinh Thầy (Hải Dương) đoạn chạy qua Nam Sách không chỉ nổi tiếng qua thơ của Trần Đăng Khoa mà còn được biết đến với hàng nghìn bè nuôi cá tại đây. Có được nguồn nước phù hợp, con cá trên các lồng nuôi ở sông Kinh Thầy cũng đem về thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương và là nguồn mưu sinh chính của nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, lớp trẻ địa phương ít người ở nhà bập bềnh nghiệp nuôi cá trên sông, đa số thoát ly tìm cơ hội nơi thành phố. Trên những lồng bè chỉ còn những người trung tuổi. Với độ tuổi 25, Nguyễn Thế Phước chọn quê hương là nơi phát triển sự nghiệp sau những năm tháng mưu sinh ở thành phố.
Nguyễn Thế Phước cho hay, anh muốn lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình, dựa vào chính thế mạnh địa phương mình có.Từng học Cao đẳng tại Hà Nội, ra trường Phước làm nhiều nghề. Có thời gian anh đi lắp hệ thống âm thanh cho các quán Karaoke, phòng trà, thậm chí ăn ở tại sân bay để làm việc cho các công ty kinh doanh âm thanh. Nhưng sau đó, anh quyết định từ bỏ công việc trưởng phòng kinh doanh với mức lương 15 triệu/ tháng tại Hà Nội để về quê gắn bó với con cá chép giòn.Hiện cơ sở của anh có tới hơn 80 lồng cá với nhiều lứa cá kích cỡ khác nhau, có cả cá giống. Với đặc tính thịt dai, ngon, nhiều dinh dưỡng hơn nhiều loại cá nuôi nên giá trịkinh tế các chép giòn mang lại cũng lớn hơn nhiều. Với mức giá dao động từ 150-200.000/kg, cá chép giòn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều người dân tại Hải Dương.
Toàn cảnh lồng cá của gia đình Nguyễn Thế Phước
Theo anh Phước, cá chép giòn chính là loại cá chép thường, sau khi nuôi đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, người nuôi sẽ vỗ béo cá bằng đậu tằm. Loại đậu có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%... chính là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn.Anh Phước cũng cho biết, loại cá này cũng phải nuôi khoảng 9 tháng bằng thức ăn công nghiệp cũng giống như các loại cá khác. Sau đó, người nuôi chọn lọc cá đạt trọng lượng 1 kg trở lên để tiến hành vỗ béo riêng biệt bằng thức ăn đậu tằm. Ở giai đoạn này, để cá đạt từ 1,2 đến 1,5 kg/con phải mất thời gian 3 tháng. Và cứ 1 tấn cá nuôi tiêu tốn khoảng 1,5 tấn đậu tằm. Còn cá đạt trọng lượng 1 kg tiêu tốn 2kg thức ăn công nghiệp.
Anh Phước cho cá ăn thức ăn công nghiệp và đậu tằm ngâm
Để có được vùng nguyên liệu đảm bảo cho chất lượng cá ngon, anh Phước xây dựng cho mình 2 vùng nguyên liệu ở Tây Bắc và Bảo Lộc, Lâm Đồng để cung cấp thức ăn cho cá với khối lượng lên đến hàng tấn thức ăn các loại mỗi ngày. Anh tự hào rằng cá nuôi tại cơ sở của anh 100% nội địa hóa Việt Nam, không có thức ăn kém chất lượng từ Trung Quốc.
Không ngại khó khăn
Tuy nhiên, ước mơ lập nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, anh Phước đã gặp khá nhiều khó khăn khi khởi nghiệp vì thất bại. Khi về quê, anh Phước về tiếp quản hai bè cá của bố nuôi trên sông Kinh Thầy, nhưng anh muốn mở rộng quy mô nuôi cá gấp 10 lần. Để có tiền, hai bố con xoay sở ngược xuôi, vay mượn ngân hàng, người quen, cầm cố, thế chấp nhà cửa.“Bè cá ở đây còn thích hơn ở nhà, bè cá là tất cả tài sản, mất nó là mất cả nhà cả cửa”, anh Phước nói.
Đàn cá đang chen chúc nhau phát triển
Đầu tiên, anh Phước bắt tay vào nuôi cá điêu hồng. Anh mua 10 tấn cá giống, nhưng sau đó bị chết mất 8 tấn. Nguyên nhân là do anh chưa có kinh nghiệm, vận chuyển cá giống bằng xe gắn máy nên cá chết do sốc. Mỗi kg cá giống có giá 45.000 đồng, đã lấy đi của anh Phước hàng trăm triệu tiền vốn. Tuy nhiên, thất bại này không thể lấy đi ý chí làm giàu của anh.
Sau khi được san sang lồng khác vì quá chật chội, đàn cá vẫn còn rất đông đúc
Sau này, anh bắt đầu thử nuôi cá chép giòn và thời kì đầu anh ra bờ đê cắt cỏ chỉ, mang thóc của nhà ra ngâm cho cá ăn. Lứa cá cứ thế lớn dần, tuy nhiên, cá rất to nhưng phát triển không đều. Anh Phước lại lục lọi tìm hiểu, hỏi han để chăm sóc cho cá vừa đẹp về hình thức, vừa cho chất lượng tốt.Sau đó, anh Phước cho cá ăn phối trộn theo tỷ lệ và giai đoạn nhất định và cách làm này đã giải quyết được sự không đồng đều trong tăng trưởng của cá. Lứa cá chép giòn mang về lợi nhuận cho anh, và tiếp đó, anh mở rộng đầu tư loại cá này. Mặc dù cá chép giòn chỉ đóng 40% sản lượng nhưng lại chiếm tới 80% giá trị kinh tế do giá trị của cá chép giòn cao gấp 2-3 lần các loại cá khác.
Cá điêu hồng được nôi nhiều nhất trong các lồng của Nguyễn Thế Phước
Đàn cá chép giòn đang vào bữa trưa
Cho đến nay cá của Phước đã có được thị trường ở nhiều nơi trên cả nước, thu nhập đảm bảo cho mở rộng đầu tư.Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh Phước cho biết: “Tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn ra nhiều vùng khác, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm”. Anh cũng chia sẻ thêm, hiện nay có nhiều người trong miền Tây cũng đã nuôi thành công loại cá này, thu về lợi nhuận khá. Thỉnh thoảng anh Phước cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá với những người tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
Cận cảnh căn lán chăm sóc cá của anh Nguyễn Thế Phước
Anh Phước cũng cho biết, ở nhiều nhà hàng, thỉnh thoảng anh bắt gặp những món ăn chế biến từ cá chép giòn với giá rất đắt. “Như mới đây, món cá chép om dưa có giá đến 450.000 đồng/kg”, anh nói.
450 nghìn/kg cá chép giòn om dưa
Với hơn 80 lồng cá đem lại nguồn thu nhập 6-7 tỷ mỗi năm, hiện anh Phước là “tỷ phú” trẻ nhất huyện Nam Sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.Bên cạnh việc kinh doanh, anh Phước còn là người năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động của thôn, xóm, địa phương. Anh cũng thường xuyên trao các học bổng cho học sinh đạt thành tích cao trong trường học của địa phương mình.