Ứng dụng VietGAP nâng cao giá trị thủy sản

Ứng dụng VietGAP nâng cao giá trị thủy sản
Với định hướng đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiến tới công nhận, hài hòa các tiêu chuẩn của VietGAP với các tiêu chuẩn quốc tế. Từ định hướng đúng của ngành chức năng, các cơ sở nuôi kỳ vọng sẽ giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP đáp ứng tất cả yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng là nhu cầu bức thiết, góp phần gia tăng giá trị ngành thủy sản. Trong 5 năm (2011-2015), Tổng cục Thủy sản đã nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện chương trình VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Qua đó, nhiều văn bản áp dụng VietGAP cho cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng được triển khai có hiệu quả. Năm 2015, cả nước có trên 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích hơn 686 ha. Trong đó, có 42 cơ sở nuôi cá tra, 23 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng còn lại là các cơ sở nuôi tôm sú, cá rô phi, tôm càng xanh... Hiện nay, việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản của các tỉnh ĐBSCL có nhiều chuyển biến tích cực. Đa phần người nuôi trồng thủy sản nhận thức được sự cần thiết phải áp dụng VietGAP cũng như duy trì sau chứng nhận để sản phẩm làm ra không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu trên thị trường.

Đẩy nhanh công tác hài hòa tiêu chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần giảm chi phí cho cơ sở nuôi, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm thủy sản xuất khẩu. (Trong ảnh: Thu hoạch cá rô phi tại huyện Cờ Đỏ).

Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (HTX Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), áp dụng VietGAP rất quan trọng và cần thiết đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị hàng thủy sản xuất khẩu trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nông dân là sản xuất theo quy trình và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn của VietGAP tốn khá nhiều chi phí, nhưng nghịch lý là giá bán sản phẩm thủy sản có chứng nhận VietGAP không cao hơn so với sản phẩm thông thường. Ngoài ra, nhiều tiêu chuẩn của VietGAP chưa hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế nên nhiều cơ sở nuôi gặp khó khăn trong định hướng thực hiện các đánh giá tiêu chuẩn sao cho phù hợp. Để nâng cao hiệu quả ứng dụng VietGAP cho các cơ sở nuôi, các nhà quản lý cần xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, như: Global GAP, ASC, BAP và tham gia chương trình Tổ chức Sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu (GSSI). Từ đó, giúp các cơ sở nuôi dễ dàng áp dụng, xây dựng thương hiệu, tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản VietGAP trên thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã rà soát các tiêu chí trong chứng nhận VietGAP từ 67 giảm còn 49 tiêu chí và tiếp tục rà soát để thực hiện đơn giản hóa quy trình trong chứng nhận VietGAP mà vẫn đảm bảo tiêu chí của các tổ chức chứng nhận quốc tế quy định. Theo bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Vụ Nuôi trồng thủy sản, việc duy trì chứng nhận sau VietGAP vẫn gặp khó, nhiều cơ sở nuôi bị thất lạc hồ sơ hay do yếu tố khách quan hoặc trì hoãn việc đánh giá và giám sát giữa kỳ… Mặt khác, nội dung quy định và tiêu chí đánh giá VietGAP chưa phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là đối với người nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá tra và cá rô phi nhỏ lẻ ở ĐBSCL. Do đó, các cơ sở nuôi, các HTX cần liên kết thực hiện theo nhóm hoặc liên kết với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả thực hiện VietGAP. Các ngành chức năng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các tổ chức chứng nhận, định hướng về các sản phẩm có chứng nhận VietGAP… giúp các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện VietGAP có hiệu quả hơn.

Theo Tổng cục Thủy sản, để đồng bộ tiêu chuẩn VietGAP với nhiều bộ tiêu chuẩn quốc tế, Tổng cục Thủy sản đã và đang ký biên bản ghi nhớ với nhiều tổ chức chứng nhận quốc tế để lập bản đồ so sánh đối chiếu, đánh giá và công nhận hài hòa lẫn nhau. Các ngành chức năng tại các tỉnh, thành trong cả nước cần tập trung tuyên truyền rộng rãi đến các hộ nuôi, doanh nghiệp về việc cần thiết ứng dụng VietGAP. Đồng thời bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thực hiện áp dụng VietGAP cho các cơ sở nuôi, doanh nghiệp… Song để thực hiện VietGAP đạt kết quả cao, các ngành chức năng cần tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn chứng nhận VietGAP, hướng dẫn cho người nuôi thực hiện VietGAP có hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức chứng nhận và cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAP. Chú trọng đẩy nhanh công tác hài hòa tiêu chuẩn vietGAP với các tiêu chuẩn quốc tế và kết nối thị trường tiêu thụ. Điều này sẽ giảm chi phí chứng nhận và giúp cho cơ sở nuôi đạt nhiều tiêu chuẩn khác nhau, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm thủy sản VietGAP xuất khẩu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

(Nguồn tin:Báo Cần Thơ)