Áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên thống nhất từ 1/7/2017

Ngày 16/6/2017, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu một số quy định mới về khung giá tính thuế tài nguyên.
Ảnh minh họa

Khung giá này áp dụng đối với các loại tài nguyên như: khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, sản phẩm của rừng tự nhiên, nước thiên nhiên, yến sào thiên nhiên… các nhóm, loại tài nguyên không quy định khung giá tính thuế tài nguyên gồm: Nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than. 

Ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết: từ tình hình thực tế là một số nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, nhưng các địa phương lại áp dụng mức giá tính thuế tài nguyên khác nhau, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng… để thống nhất giá tính thuế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2017 quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với các nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.

Căn cứ khung giá tính thuế tài nguyên, UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên. Giá tính thuế tài nguyên tại Bảng giá tính thuế tài nguyên phải phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên và lớn hơn hoặc bằng mức giá tối thiểu của nhóm, loại tài nguyên tương ứng quy định tại Khung giá tính thuế tài nguyên. 

“Cơ sở dữ liệu để đưa ra khung giá tính thuế tài nguyên được cập nhật thường xuyên, căn cứ dựa trên nhiều yếu tố, đảm bảo tính thống nhất nên đảm bảo khách quan, công bằng và hoàn toàn không có chuyện lợi ích nhóm”, ông Tân khẳng định.  

Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục thuế các tỉnh phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tại địa phương rà soát, xác định mức giá tính thuế tài nguyên của mỗi loại tài nguyên, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét để tiếp tục áp dụng theo Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh đã ban hành nếu còn phù hợp, hoặc ban hành văn bản điều chỉnh đối với loại tài nguyên trong Bảng giá không còn phù hợp với Khung giá chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày 1/7/2017.  

Khi có thông tin đầy đủ, các địa phương sẽ có cơ sở để ban hành Bảng giá cho hợp lý, tránh sự cạnh tranh giữa các tỉnh lân cận.   

Có 2 trường hợp điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên, gồm: Giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành; phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế tài nguyên.   

Trả lời câu hỏi việc ban hành khung giá tính thuế tài nguyên này có ảnh hưởng gì đến những ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về các chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển trước đó? Ông Tân cho biết, việc ban hành khung giá tính thuế tài nguyên này không ảnh hưởng gì tới những ưu đãi đối với nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, vì theo quy định hiện hành, thủy, hải sản là đối tượng không phải chịu thuế.