Bộ trưởng NN&PTNT: Sẽ tập trung phá "rào cản" ruộng đất

Bộ trưởng NN&PTNT: Sẽ tập trung phá "rào cản" ruộng đất
Thời gian tới, hai mũi nhọn mà Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành tập trung tháo gỡ nhằm tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là tích tụ ruộng đất và phát triển kinh tế tập thể với chủ thể là hợp tác xã.

 

Tích tụ ruộng đất chưa bao giờ là điều đơn giản đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Internet

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp thông qua đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (16-9), ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Cập nhật mới nhất hiện nay, chỉ có khoảng 3.643 doanh nghiệp trên tổng số gần nửa triệu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Như vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư chưa tới 1%, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Có nhiều khó khăn đang kìm hãm doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, điển hình là “nút thắt” đất đai. Từ năm 1993, đất nông nghiệp đã được giao cho nông dân ổn định lâu dài nên khi xuất hiện nhu cầu cần tập trung đất đai thì nảy sinh khó khăn. 

Thời gian qua, để giải quyết “bài toán” này, nhiều địa phương đã có những sáng tạo trong cách làm. Ví dụ tại tỉnh Hà Nam, những nơi nông dân cảm thấy chủ động canh tác không hiệu quả bằng dồn vào cho doanh nghiệp làm thì người dân tự nguyện, tỉnh đứng ra đại diện giao lại đất cho doanh nghiệp. Quyền sử dụng đất thực chất vẫn của nông dân và chỉ được chuyển cho doanh nghiệp trong giới hạn thời gian nhất định. Nông dân vẫn có cơ hội được làm việc trên chính mảnh đất của mình khi quay trở lại làm công cho doanh nghiệp. 

Còn tại tỉnh Nam Định, một số doanh nghiệp mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền chỉ giới hạn cho phép doanh nghiệp tiếp nhận chuyển nhượng diện tích không lớn, khoảng 20-50 ha. Tuy nhiên, các doanh nghiệp biết cách tổ chức tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định để phục vụ nhu cầu. 

Hình thức tiếp theo có thể kể đến là hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với doanh nghiệp. 

Trên thực tế, sau khi giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có những thể chế, cơ chế để nông dân chủ động thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, các chế tài liên quan vẫn phải được làm rõ hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tích tụ ruộng đất sản xuất.

“Thời gian tới, hai vấn đề nổi cộm được tập trung tháo gỡ là tích tụ ruộng đất và tập trung nhóm giải pháp phát triển kinh tế tập thể, chủ thể là hợp tác xã. Ban Kinh tế Trung ương đã đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục bàn thảo sâu về hai vấn đề này”, ông Cường nhấn mạnh. 

Trước quan điểm cho rằng, khi ruộng đất được tích tụ vào tay các doanh nghiệp, nông dân có thể mất tư liệu sản xuất, ông Cường lý giải: Khi Nhà nước thực hiện chính sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân cũng đã tính tới vẫn đề tích tụ ruộng đất nên luật pháp có quy định quyền chuyển nhượng của nông dân cho đối tượng sản xuất lớn hơn. 

Sử dụng đất đã có chế tài quy định. Đối tượng nào làm ăn hiệu quả hơn thì làm. Sản xuất tập trung trên quy mô lớn sẽ có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn, qua đó nâng cao thu nhập của cả người nông dân lẫn doanh nghiệp.

Theo Thanh Nguyễn/baohaiquan.vn