Cần Thơ: Không để nông dân “tự bơi” trong sản xuất
- Thứ tư - 06/11/2013 01:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều mô hình cho hiệu quả cao
Năm 2013, dù khó khăn, nhưng sản xuất nông nghiệp của thành phố tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa thông qua "cánh đồng lớn-CĐL" được nhân rộng lên với tổng diện tích trên 25.759 lượt ha, tăng hơn 16.868 ha so với năm 2012, với bình quân khoảng 7.000 hộ dân tham gia/vụ. CĐL được đánh giá là mô hình tiên tiến trong việc tạo gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện nay. Nông dân tham gia CĐL không chỉ gia tăng lợi nhuận nhờ giảm các chi phí sản xuất đầu vào và bán sản phẩm đầu ra được giá cao, mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phát triển sản xuất theo hướng tập trung, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Năm 2012, mô hình CĐL trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh thực hiện được 400 ha, sang năm 2013 đã phát triển lên 3.281 ha. Nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận tăng thêm 4-5 triệu đồng/ha so với nông dân bên ngoài và môi trường cũng ít bị ảnh hưởng do nông dân đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là bón phân, xịt thuốc đúng cách. CĐL có ý nghĩa thiết thực đối với nông dân và doanh nghiệp, cần được tiếp tục nhân rộng để thúc đẩy phát triển "tam nông" bền vững".
Theo ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, không chỉ trong sản xuất lúa mới hình thành được các mô hình sản xuất cho hiệu quả cao, lĩnh vực chăn nuôi và các hoạt động trồng trọt khác cũng xuất hiện nhiều mô hình tốt. Cụ thể, các mô hình sản xuất luân canh, chuyển đổi từ canh tác lúa hè thu sớm kém hiệu quả sang trồng đậu xanh, đậu nành, mè… đã cho hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình trồng đậu nành trên đất lúa tại một số quận, huyện ở TP Cần Thơ đã giúp nông dân đạt lợi nhuận trên 17 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 12 triệu đồng/ha/vụ so với trồng lúa. Mô hình sản xuất luân canh lúa với nuôi các loại thủy sản, nhất là trong mùa lũ cũng khẳng định hiệu quả hơn làm 3 vụ lúa/năm. Ông Lâm Minh Trí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Huyện là một trong những địa phương phát triển mạnh các mô hình luân canh nuôi thủy sản trên chân ruộng lúa. Từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích thả nuôi các loại thủy sản trên ruộng đạt trên 3.775 ha, chiếm 60% tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn. Đến nay, bà con thu hoạch được khoảng 60% diện tích thả nuôi, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trong một vài tuần tới. Năm nay, các mô hình nuôi cá trên ruộng lúa tiếp tục cho hiệu quả tốt, nông dân đạt lợi nhuận bình quân 5-8 triệu đồng/ha/vụ. Riêng mô hình nuôi tôm càng xanh lợi nhuận tới 60-70 triệu đồng/ha/vụ, nhưng mô hình này còn ít hộ tham gia do đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn ".
Các quận, huyện ven đô như: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền…cũng hình thành nhiều mô hình nông nghiệp đô thị. Đáng chú ý là các mô hình trồng rau màu chuyên canh, trồng các loại nấm, hoa kiểng, phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái… Trong đó, mô hình chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản như: vú sữa, dâu hạ châu, nhãn Ido, sầu riêng… có thể cho thu nhập 120-200 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là hướng phát triển phù hợp theo quy hoạch của ngành nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp xanh, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Nhân rộng mô hình
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại thành phố cần có sự điều chỉnh về cơ cấu cây trồng vật nuôi và mùa vụ cũng như tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2014, do Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức, nhiều đại biểu đã nhận định: ngành nông nghiệp thành phố cần có giải pháp thiết thực hơn để nhân rộng mô hình điểm. Đồng thời, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các đại biểu cho rằng, để đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm, ngành nông nghiệp thành phố cần quan tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển công tác nhân giống các loại cây trồng vật nuôi. Cần nhân rộng những mô hình sản xuất cho hiệu quả cao nhằm giúp tăng cao thu nhập cho nông dân trong tình hình điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp thành phố có xu hướng thu hẹp do đô thị hóa và phát triển công nghiệp.
Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế- Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: "Ngành nông nghiệp đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhưng việc nhân rộng phát triển các mô hình này còn chậm. Thực tế cho thấy, mới chỉ có mô hình CĐL là được phát triển nhân rộng lên ở mức trên 10% tổng diện tích sản xuất lúa, còn nhiều mô hình khác có quy mô ứng dụng còn nhỏ và khiêm tốn so với tổng diện tích sản xuất chung. Các ngành chức năng tăng cường đầu tư thêm nguồn kinh phí để đẩy mạnh công tác khuyến nông, phổ biến các mô hình hiệu quả cũng như có các hỗ trợ cần thiết cho nông dân. Có như vậy, các mô hình mới lan tỏa và phát triển nhanh". Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An ở quận Thốt Nốt, cũng cho rằng, cần đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình CĐL và các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả khác. Qua 2 năm tham gia liên kết với nông dân thực hiện mô hình CĐL, Công ty Trung An rất ủng hộ việc nhân rộng nhanh mô hình này. Song, để thực hiện tốt hơn, đòi hỏi ngành nông nghiệp và các ngành chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo chiều rộng và sâu, giúp nông dân nhận rõ lợi ích và tích cực tham gia. Bởi nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Mặt khác, Nhà nước phải có các hỗ trợ tích cực cho nông dân và doanh nghiệp, nhất là cần có chính sách hỗ trợ về vốn vay.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, TP Cần Thơ đã xây dựng và hình thành được nhiều mô hình sản xuất mới ứng dụng các công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng việc nhân rộng các mô hình này chậm đã làm hạn chế đến sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả cao, ngành nông nghiệp cùng các cấp chính quyền tại thành phố, nhất là chính quyền địa phương cần làm tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình. Trong đó, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền và làm tốt vai trò "cầu nối" giữa nông dân và doanh nghiệp cũng như có trách nhiệm hỗ trợ kịp thời cho nông dân và doanh nghiệp, không để nông dân "tự bơi". Có như vậy, ngành nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững.
Theo Báo Cần Thơ online