Cần có chính sách đặc thù đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng

Cần có chính sách đặc thù đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng
Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Công tác tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập”, đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh làm việc với các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở NN&PTNT.


Quản lý địa bàn rừng rộng, với lực lượng mỏng....

 

Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh được giao quản lý trên 20.300 ha rừng và đất lâm nghiệp của 19 phường, xã thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Tổng số công nhân viên chức, lao động của Ban có 34 người, trong đó có 22 biên chế và 12 người là hợp đồng lao động ngoài biên chế, so với biên chế được giao đang thiếu 9 người.

Quản lý tổng diện tích gần 45 ngàn ha rừng thuộc địa bàn 17 xã của 4 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và Hương Khê, năm 2017, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được giao 74 biên chế, nhưng mới có 55 biên chế. Số lượng lao động hợp đồng hiện có 63 người (thiếu 19 biên chế). Ngoài ra, đơn vị còn 5 biên chế không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ do tuổi cao, sức khỏe yếu.

Đời sống của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng hết sức tạm bợ

 

Công tác quản lý và bảo vệ rừng của các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý diện tích rừng ở tuyến biên giới giáp ranh với tỉnh Quảng Bình; địa bàn quản lý rộng, lực lượng bảo vệ rừng thiếu; cơ sở vật chất của các trạm bảo vệ rừng rất tạm bợ, đời sống cán bộ, công nhân viên còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện tượng khai thác lâm sản ngày càng tinh vi, nhưng trang bị và công cụ hỗ trợ cũng như các chế tài xử lý chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

 

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát và các ban quản lý đã thảo luận về việc xem xét đề xuất ban hành một số chủ trương, chính sách đặc thù đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp; sớm cho phép các đơn vị tuyển dụng số biên chế còn thiếu; đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm; việc giao khoán rừng; việc phối hợp giữa chủ rừng với người dân địa phương và các lực lượng; cho phép Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc và Trung tâm dịch vụ và giáo dục môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 117 của Chính phủ về tổ chức, quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu và các thành viên trong đoàn giám sát đã tiếp thu ý kiến của các đơn vị và hứa sẽ tổng hợp để trình lên cuộc họp HĐND sắp tới. Đồng thời, lưu ý các đơn vị phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng đề án tăng cường công tác bảo vệ phát triển rừng, trong đó có đề cập đến các vấn đề cần đề xuất. Trước mắt nghiên cứu để sớm đề xuất chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng.

Theo Mỹ Dung/hatinhtv.vn