Cánh đồng hoang: Xã bỏ vụ mùa
- Thứ tư - 24/09/2014 07:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những cánh đồng thẳng cánh cò bay ngút ngát một màu hoang dại của bèo tây, lau sậy. Những cánh đồng không một bóng nông dân, con trâu lạc vào bùn ngập ngang lưng, mắt đen tròn mở to ngơ ngác nhìn trời biếc.
Hồi ức đồng vàng
Cách đây hơn một năm, NNVN là tờ báo đầu tiên trong cả nước gióng lên hồi chuông báo động về chuyện nông dân Hải Dương viết đơn xin bỏ ruộng.
Dư luận được một phen dậy sóng. Đất đai là máu thịt của nông dân nên bỏ ruộng cũng nhiều day dứt, xa xót lắm! Tuy nhiên nông dân ở Hải Dương chỉ bỏ ruộng lẻ tẻ, bỏ chỗ xa, bỏ chỗ khó. Thế nên bây giờ đứng trước những cánh đồng hoang rộng bát ngát tôi cảm thấy hẫng hụt, thẫn thờ.
Anh Nguyễn Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Ninh (Phù Ninh, Phú Thọ), bảo rằng không phải SXNN kém hiệu quả mà địa phương bớt quan tâm, chỉ đạo. Năm nào xã cũng có nghị quyết về SX tới các khu hành chính. Vụ nào xã cũng giao HTX và cán bộ khuyến nông viên cơ sở bám sát kế hoạch nông nghiệp mà làm. Chuyện bỏ ruộng chỉ bắt đầu rộ lên ở vụ mùa năm 2012.
Nắm được tình hình, xã Phù Ninh đã triệu tập ngay một cuộc họp bất thường gồm các Trưởng khu, Bí thư chi bộ, ban ngành đoàn thể cùng bàn phương hướng, biện pháp khắc phục. Cuối hội nghị, phương án được số đông ủng hộ là hỗ trợ giống tới từng hộ nông dân. Dù ngân sách còn eo hẹp nhưng xã vẫn quyết định bỏ ra trên 20 triệu đồng mua lúa giống về cấp khẩn.
Cán bộ ủy ban, cấp ủy chi bộ và trưởng các ban ngành trong xã gương mẫu làm đầu tàu thực hiện SX trước. Các đảng viên ngoài cấy cho gia đình mình còn được phân công phụ trách, đốc thúc, động viên 5-7 gia đình khác làm theo.
Một mặt trận mới được mở bừng bừng khí thế, 2/3 diện tích đã được phủ kín lúa mùa. Rủi thay thiện ý này chỉ gặt về thất bại. Thời vụ muộn, sâu bệnh nhiều, bình quân năng suất vụ đó không được nổi 1 tạ/sào.
Thua thảm hại ở vụ mùa 2012, đến mùa 2013, 2014 dân tình không ai bảo ai đều bỏ không cấy để lại những cánh đồng rộc miền trung du chua nổi váng cùng sình lầy.
Trước đây vụ mùa Phù Ninh có trên một trăm héc ta lúa nhưng nay đồng vàng chỉ còn trong ký ức. Người ta nghĩ ra đủ các biện pháp “chữa cháy”. Chỗ đất cao tận dụng để trồng ngô. Khu ruộng thấp bịt cống, đắp đập cho nước dâng để nuôi trồng thủy sản.
Diện tích thuận lợi nhất thì ngay khi lúa chiêm còn đỏ đuôi nông dân đã quãi thêm phân để hơn tháng sau tận thu lúa chét. Thế nhưng xem ra mọi thứ đều chấp chới cả.
Nông dân thời không ruộng
Đau đáu câu hỏi không làm ruộng nông dân làm gì tôi gặp anh Nguyễn Đình Đà - một trong mấy chục hộ thả cá trên đất lúa ở Phù Ninh.
Họ là những gia đình có ruộng trũng, thấy cấy lúa mùa không hiệu quả nên tự nguyện chuyển đổi sang thả cá. Đầu vụ mỗi người góp chừng 3-4 triệu đồng mua cá giống rồi dựng lều ở giữa đồng, cắt cử nhau trông coi hằng ngày.
Cá nuôi theo hình thức này không dùng thức ăn công nghiệp mà tận dụng màu mỡ từ những con giun, con dế, bông lúa chét, lá cỏ hoang của ruộng đồng. Bốn năm tháng sau thì người ta tháo nước, bắt cá.
Mỗi người chia nhau cũng được dăm mười triệu đồng tiền lãi nhưng số diện tích thích hợp cho thả cá không nhiều, không phải ruộng nào cũng áp dụng được.
Tôi gặp bà Nguyễn Thị Bảy, một nông dân ở khu 3, khi bà ra đồng khắc phục lại chỗ ruộng dưa vừa bị mất trắng sau đợt ngập nước vì mưa bão. Nhà bà có 3 khẩu, được chia 36 thước đất. Ít ruộng quá vụ chiêm bà Bảy thường nhận thêm 5 sào để cấy nhưng vụ mùa đành bỏ tất vì tình trạng ngập úng diễn ra cứ liên miên: “Chẳng phải chúng tôi lười biếng gì đâu. Trước cũng làm ruộng hăng lắm nhưng giờ điều kiện không thuận mới đành bỏ…”.
Cánh đồng hoang ở Phù Ninh
Không cấy vụ mùa, để có thóc ăn bà Bảy phải đi xách vữa thuê nhưng công việc hồi này cũng không có mấy.
Chị Trần Thị Thủy, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Phú Thọ thống kê nhanh với tôi rằng tổng diện tích ruộng hoang vụ mùa của cả tỉnh vào khoảng 190 ha, tập trung chủ yếu ở Phù Ninh. Chủ trương chỉ đạo của tỉnh là ở những chân cấy một vụ sâu trũng thì làm thêm vụ lúa chét còn trên chân đất hai vụ vẫn phải duy trì lúa mùa. Nhưng càng vận động diện tích lại càng giảm. Mùa năm 2013 xã Phù Ninh còn cấy 1,5 ha sang đến mùa năm nay thì bỏ hẳn. Lãnh đạo nào đi xuống vận động dân cấy lúa cũng chịu, cuộc họp nào bàn cách phục hồi SX cũng đều không tìm thấy lối ra. |
Ông Lê Văn Trú, Bí thư chi bộ khu 5, là một lão nông tri điền chính hiệu. Khu 5 có 8,8 ha ruộng, vụ mùa 2012 được sự động viên của chính quyền, khí thế SX trong dân lên cao. Ai ai cũng bàn chuyện ruộng đất, chuyện mùa vụ, chuyện cấy hái.
Ngay cả ông Nguyễn Văn Sáng, một người bán hàng tạp hóa đã rời xa ruộng đồng cả chục năm rồi nhưng thấy cuộc vận động đông vui, nhộn nhịp quá cũng nhận cấy một sào.
Từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối ông Sáng trần mình ra mà cày cày, cuốc cuốc hăng hái đến độ say nắng tưởng gục chết ngay dưới đất. Vụ đó, lúa con gái tốt bời bời khiến ai cũng khấp khởi mừng thầm. Không ngờ cuối vụ sâu ăn rạc, cây lúa khô mủn ngay tại ruộng đến mức cọng rơm cho trâu bò nhá cũng không có. Toàn dân mất mùa, lắm nhà không thu nổi một cân thóc.
Gia đình ông Trú là điển hình của nông dân thời công nghiệp hóa. Ông bà có ba người con đều đi làm công nhân hết, trơ trọi lại hai vợ chồng già cặm cụi với 5 sào ruộng, bới đất, lật cỏ qua ngày. Vụ chiêm cấy lúa thuận lợi đủ đường mới được 2 tạ/sào, với giá thóc 7.000đ/kg vị chi thu được 1,4 triệu đồng.
Trừ tất tật chi phí cày bừa, phân gio, giống má… lấy mồ hôi, sức lực làm lãi nhà nông còn được độ non nửa. Vụ mùa thì không được như thế, càng làm càng lỗ vì lắm sâu bệnh.
Trước đây hễ có sâu bệnh người nông dân lại oằn mình đeo bình đi phun thuốc. Vòi bình tắc họ còn hồn nhiên kề miệng, thổi đánh phù một cái để thông. Mấy năm nay cảnh đó đã không còn ở Phù Ninh kể từ sau cái chết của hai người phun thuốc sâu thuê chuyên nghiệp là ông Khẩn và ông Chính.
Một cánh đồng hoang
Các con ông Trú đi làm trung bình 12 tiếng một ngày bất kể thứ bảy hay chủ nhật. Lịch làm việc của chúng nếu ca đêm đi từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng còn nếu ca ngày đi từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối, giữa mỗi ca được nghỉ ăn đúng 30 phút.
Giờ giấc nghiêm ngặt đến mức ngay cả việc đại tiện, tiểu tiện cũng phải nhanh nhanh, chóng chóng mà vào đứng máy nếu không muốn ăn phạt, trừ lương hay thậm chí mất việc. Ốm tối đa được nghỉ 1-2 buổi, bố mẹ mất nghỉ 3 ngày, ông bà mất nghỉ 1 ngày, cưới con cái nghỉ 3 ngày.
Thanh niên trong nhà đi hết, ngoài làm ruộng, ông bà Trú còn có nhiệm vụ nấu cơm và một ngày bốn lượt đưa ba đứa cháu đi học. Ăn cùng, chơi cùng, ngủ cùng nên lũ cháu bện hơi ông bà nội lắm!
Tiếng là ở cùng nhà với bố mẹ thật đấy nhưng đến mặt đấng sinh thành cũng nhạt nhạt nhòa nhòa trong mắt chúng vì thường chỉ gặp chốc lát lúc trời đã tắt nắng. Người trẻ có sức lực, trí lực thì chán ruộng, chán đồng còn người già còn nặng tình với đất nhưng cũng chẳng còn sức mà gắng gượng nữa.
Dương Đình Tường
Theo nongnghiep.vn