Cấy lúa không làm đất!
- Thứ ba - 07/10/2014 09:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
* Cuộc tranh luận chưa hồi kết
Lạ nữa, phương pháp này đang phát triển với tốc độ chóng mặt kéo theo một cuộc tranh luận dường như không hồi kết…
Khởi đầu là vụ mùa năm 2006, một nông dân ở xã Hải Phong (huyện Hải Hậu) đã làm mô hình 2 sào cấy lúa không làm đất trong đó có sử dụng loại thuốc trừ cỏ Gramoxone để phun cho mục gốc rạ.
Vụ mùa năm 2009 diện tích cấy lúa không làm đất của Hải Hậu mới chỉ có 27 ha với 2 xã tham gia là Hải Phong và Hải Châu thì đến vụ mùa năm 2014 diện tích đã tăng vọt lên trên 2.600 ha, chiếm 26% diện tích gieo cấy lúa mùa toàn huyện.
2.600 ha là số liệu trên giấy chứ thực tế ước đoán còn phải trên 3.000 ha vì có 25/33 xã, thị trấn của Hải Hậu đã triển khai trong đó 7 xã trên 80% diện tích được gieo cấy theo phương thức này.
Chưa bao giờ người ta chứng kiến một giải pháp kỹ thuật mới xuất hiện lại có sức lan tỏa nhanh như thế bởi nó giúp giảm áp lực về thời vụ, giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng năng suất lúa mùa, mở rộng diện tích cây vụ đông dưới ruộng 2 lúa, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Cụ thể, cấy lúa kiểu này giảm chi phí làm đất từ 150.000-170.000 đồng/sào (4 đến 4,5 triệu đồng/ha) so với phương thức cấy truyền thống; lúa mùa sinh trưởng nhanh hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng 4-5 ngày; có thể đẩy sớm được thời vụ lên từ 8-10 ngày, tạo điều kiện để lúa mùa có năng suất cao và tạo quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông dưới ruộng 2 lúa.
Ưu thế là vậy nên cấy lúa không làm đất đã trở thành phương thức gieo cấy chính trong vụ mùa ở nhiều xã, thị trấn tại Hải Hậu.
Do có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng thuốc trừ cỏ Gramoxone, năm 2012, Cục Bảo vệ Thực vật đã triển khai lấy mẫu đất, nước tại xã Hải Phong gửi Viện Môi trường Nông nghiệp phân tích.
Sau khi Viện này trả phiếu kết quả phân tích, Chi cục BVTV tỉnh Nam Định đã có báo cáo “Đánh giá tồn dư của thuốc trừ cỏ Gramoxone 20 SL trên ruộng lúa theo phương thức làm đất tối thiểu”.
Phun thuốc trừ cỏ cho mục gốc rạ
Báo cáo kết luận: Dư lượng thuốc Gramoxone 20 SL ở liều lượng sử dụng 2,8 lít/ha sau phun 10 ngày và 1 tháng tồn tại trong đất và trong nước thấp so với giới hạn tối đa cho phép của QCVN từ 10 đến 20 lần.
“Vấn đề không làm đất nhưng sử dụng thuốc trừ cỏ làm hoai mục gốc rạ cần phải được nghiên cứu độc lập dùng ngân sách nhà nước chứ không thể phối hợp với doanh nghiệp để tránh hiện tượng nể nang” (Ý kiến một đại biểu). |
Thuốc Gramoxone 20 SL ở liều lượng sử dụng không ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Kết quả là thế nhưng những lo lắng về độ độc hại của hóa chất không giảm mà ngày càng tăng, nhất là khi diện tích cấy theo dạng này tăng bùng nổ.
Vụ mùa 2014 Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã vào cuộc phối hợp với Phòng NN-PTNT Hải Hậu triển khai mô hình cấy lúa mùa không làm đất có sử dụng thuốc trừ cỏ Gramaxone tại 2 xã Hải Trung và Hải Tây.
Để rồi một cuộc hội thảo lớn được tổ chức ngay cuối vụ với sự tham gia của nhiều tỉnh thành, nhà khoa học, lãnh đạo cơ sở cũng như nông dân. Các đại biểu được tận tai nghe, mắt thấy, tay sờ vào những mô hình thực tế.
Ở đây có gia đình không làm đất và dùng thuốc trừ cỏ, có gia đình không làm đất không dùng thuốc trừ cỏ, có gia đình không làm đất cấy kiểu truyền thống, có gia đình không làm đất cấy kiểu hàng rộng, hàng hẹp. Nếu không làm đất không sử dụng thuốc trừ cỏ mà thay bằng ngâm, khâu thủy lợi phải rất chủ động. Sau khi thu hoạch xong vụ xuân, nông dân cắt sát gốc rạ, cho nước vào ngâm ruộng trong 12-15 ngày rồi mới cấy.
Không làm đất mà sử dụng thuốc trừ cỏ đơn giản hơn rất nhiều, sau gặt lúa xuân chỉ phun thuốc rồi chờ 7-10 ngày cho gốc rạ thật mục là cấy được. Chuyện không làm đất tưởng gây khó dễ cho cơ giới hóa, cho gieo thẳng nhưng có hộ vẫn thử gieo thẳng và kết quả vẫn rất tốt.
Ruộng mô hình xanh tốt
Ở vụ mùa rút ngắn thời gian 5 ngày đã rất khó vì nó liên quan đến năng suất, còn phương pháp không làm đất rút ngắn thời gian được 5-7 thậm chí 10 ngày là hết sức bình thường. |
Ngay trên những bờ ruộng, tôi đã nghe thấy những tiếng tranh luận không ngớt: “Dùng thuốc kiểu này là hại lắm vì độ độc nhóm hai mà lại”. “Độc gì mà độc? Nó trong danh sách lưu hành chứ có phải thuốc cấm đâu? Không phải cứ không quản được là cấm”, “Quê tôi họ không phun thuốc làm mục gốc rạ thế này mà dùng nước để ngâm mới là tốt chứ thế này trước sau gì cũng ảnh hưởng thôi”…
Thực tế ở Hải Hậu vụ mùa 2014 có trên 60% diện tích cấy lúa mùa không làm đất nhưng không sử dụng thuốc trừ cỏ như vậy.
Cuộc tranh luận kéo dài từ bờ ruộng đến tận hội trường. Các đại biểu cứ một mực đòi cơ quan chức năng khẳng định ngay lập tức dùng thuốc trừ cỏ trong cấy lúa không làm đất có độc hay không độc. Đến tận quá trưa, những cái bụng lép cũng không làm giảm được sức “nóng” của hội nghị.
Cuối cùng, 5 vị ở đoàn chủ tịch đã phải chốt lại vấn đề một cách thận trọng. Đại diện của ngành BVTV: "Cần đánh giá thêm bởi báo cáo đưa ra toàn những mặt tốt nhưng chưa chỉ rõ mặt tồn tại của phương pháp này thế nào. Tôi đồng ý cho phát triển mô hình nhưng trước mắt hãy không dùng thuốc đã bởi bản thân thuốc là độc. Nếu sử dụng 3 kg/ha thì cả ngàn ha sẽ là một lượng thuốc rất lớn".
Đại diện của Viện Môi trường Nông nghiệp: "Không làm đất mà không ảnh hưởng đến năng suất là tốt. Không làm đất, không sử dụng thuốc, không ảnh hưởng đến năng suất còn tuyệt vời hơn. Tuy nhiên phun thuốc trong một năm khác với phun thuốc liên tục trong mười năm nên chưa thể đánh giá nhanh ảnh hưởng của nó đến môi trường, đến sức khỏe nông dân được".
Đại diện của Sở KH-CN Nam Định: "Không làm đất mà dùng thuốc trừ cỏ để hủy gốc rạ cấy lúa vụ mùa hiệu quả kinh tế đã rõ ràng nhưng vấn đề môi trường vẫn chưa thể rõ...".
Dương Đình Tường
Theo nongnghiep.vn