Chuyển nhượng bản quyền lúa giống: Cần đưa vào quy củ

Chuyển nhượng bản quyền lúa giống: Cần đưa vào quy củ
Liên tiếp nhiều thương vụ chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng với giá “khủng” diễn ra trong những năm gần đây cho thấy, hoạt động mua bán “chất xám” trong ngành nông nghiệp đã thực sự sôi động. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng ở nước ta còn nhiều bất cập, lỏng lẻo… đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong sản xuất kinh doanh giống.

Nhiều thương vụ “giá khủng”

Những thương vụ mua bán bản quyền giống với giá trị cao, gây tiếng vang trong những năm gần đây phải kể đến: Lúa TH3-3 với giá 10 tỷ đồng; HYT100 giá 3 tỷ đồng; giống lúa thuần BC15 bán với giá 300 triệu đồng; KD đột biến 350 triệu đồng; đột biến số 6 giá 450 triệu đồng; đột biến số 5 giá 500 triệu đồng; lúa lai Việt Lai 2 giá 300 triệu đồng; HYT 103 giá 500 triệu đồng; TH 3-4 giá 700 triệu đồng… Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cũng là doanh nghiệp đầu tiên mua bản quyền giống lúa ở nước ta, với giống lúa BC15 được mua với giá 300 triệu đồng vào năm 2007, đã đem lại cho công ty khoản lợi nhuận kếch xù, lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Bình quân mỗi năm, có 5.000-10.000 tấn lúa giống BC15 được tiêu thụ.

Cách đây hơn 4 năm, anh Đoàn Văn Sáu, chủ Công ty Cường Tân ở huyện Trực Ninh (Nam Định) bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai nội TH3-3, đã gây sửng sốt trong ngành nông nghiệp. Khi ấy, nhiều tờ báo gọi anh là “Sáu khùng”, “Sáu ngông”, bởi giá “chót vót” mua bản quyền giống lúa lai nội Việt Lai lúc đó mới là 700 triệu đồng. Nhiều người lo cho anh bởi bao giờ mới trả hết con số nợ 10 tỷ đồng vì đầu tư vào nông nghiệp luôn gặp nhiều rủi ro. Thế nhưng, anh Sáu đã thu hồi vốn chỉ sau một năm. Anh Sáu cho biết, đến nay, anh đã liên kết với nông dân sản xuất trên 300ha lúa giống, mỗi năm cho 1.000 tấn hạt lai F1 TH3-3, bán với giá 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 2/3 so với giá giống lúa lai 2 dòng nhập từ Trung Quốc. Cứ 1kg hạt giống lúa lai TH3-3 bán ra thị trường, anh Sáu lãi ròng 30.000 đồng, mỗi năm bán được 1.000 tấn, anh thu về lợi nhuận 30 tỷ đồng. 

Một trong những thương vụ mua bán bản quyền giống lúa “đình đám” là lúa lai HYT100 được chuyển nhượng với giá 3 tỷ đồng. Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng đã mua bản quyền giống lúa HYT100 của Viện Nghiên cứu Cây lương thực - Cây thực phẩm (FCRI). Theo bà Phạm Thị Cằng, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng, công ty đã nhiều năm sản xuất và kinh doanh giống lúa HYT100, thấy năng suất không thua lúa lai Trung Quốc, gạo lại rất ngon. Bà Cằng chia sẻ: “Công ty đang sản xuất và kinh doanh giống lúa HYT100 suôn sẻ thì một hôm Giám đốc FCRI điện thoại bảo tôi có Công ty Đại Thành muốn mua bản quyền giống HYT100 giá 3 tỷ đồng. Tôi giật nảy mình, vì lâu nay mình mải mê đưa giống HYT100 vào sản xuất, chưa thương lượng hợp đồng bản quyền, nếu để doanh nghiệp khác nhanh tay mua mất thì công ty sẽ không được sản xuất và kinh doanh giống lúa này nữa. Bởi vậy, ngay hôm sau, ban lãnh đạo công ty tức tốc lên FCRI thương lượng và mua giống lúa này với giá 3 tỷ đồng”. 

Bán bản quyền giống cây trồng trên thế giới là điều đương nhiên, nhưng ở nước ta hoạt động này vẫn còn mới mẻ. Hàng năm, Nhà nước chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc đầu tư nghiên cứu công nghệ sinh học, lai tạo hàng trăm giống cây trồng mới, nhưng giống có thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Trâm, Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), sản phẩm trí tuệ khi chuyển nhượng cần tuân theo quy luật thị trường “thuận mua, vừa bán”. Tác giả tạo giống là người biết rõ nhất giá trị của giống mới đó. Khi tìm được người mua mà người mua cũng hiểu đầy đủ giá trị của giống đó thì sẽ bán được giá hợp lý. Chuyển nhượng bản quyền giống cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho giống mới có thể tồn tại lâu hơn, diện tích sản xuất được mở rộng nhanh hơn. 

Còn nhiều bất cập

Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, trong nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi là tư liệu sản xuất rất quan trọng và đặc thù vì đây là tư liệu sản xuất sống và thay đổi liên tục sau mỗi chu kỳ sản xuất. Hiện nay, việc chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng ở nước ta còn nhiều bất cập, lỏng lẻo do bên bán mới chỉ bảo hộ giống F1, chưa đăng ký bảo hộ giống bố mẹ, chưa “mua đứt bán đoạn” khiến bên mua bị thiệt hại khi có hiện tượng nhân trộm giống. Quy định chuyển nhượng thực hiện theo cả Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ nên có độ chênh khi tính toán giá trị hợp đồng.

Một “sự cố” xảy ra với giống lúa BC15 trong vụ đông xuân vừa qua đã cho thấy bất cập trên thị trường nhượng bản quyền lúa giống. Lý giải cho việc khoảng 16.000ha lúa BC15 ở miền Bắc bị mất mùa do lép hạt, Cục Trồng trọt kết luận nguyên nhân do thời tiết. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp vẫn chưa cảm thấy thuyết phục trước kết luận này. Theo PGS.TS.Tạ Minh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, giống BC15 bị lép đồng loạt như vậy chắc chắn là do bị bệnh đạo ôn tấn công chứ không hoàn toàn do thời tiết. Nếu chỉ do lạnh thì bông lúa sẽ không chết hết mà có bông chết, có bông vẫn kết thành hạt. GS.TS.Trần Duy Quý, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Giống lúa BC15 sau nhiều năm gieo trồng đã bị thoái hóa. Một vấn đề đáng phàn nàn hiện nay là, các nhà khoa học nghiên cứu giống ở nước ta sau khi chuyển nhượng bản quyền giống là coi như hết trách nhiệm, để doanh nghiệp tự sản xuất và kinh doanh, dẫn đến không duy trì được chất lượng giống”. 

Theo GS.TS.Trần Duy Quý, hiện nay nhà nước vẫn chưa có quy chế, quy định rõ ràng về việc mua bán bản quyền các giống cây trồng. Đặc biệt, quy định về quyền lợi được hưởng của các nhà khoa học khi bán sản phẩm trí tuệ của họ cũng chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của bên bán trong việc duy trì giám sát chất lượng sản phẩm. “Nhà nước cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học bán bản quyền giống cây trồng. Nếu tác giả bán được bản quyền thì sẽ trả lại tiền đầu tư nghiên cứu khoa học của Nhà nước và có vốn để tái đầu tư”, ông Quý kiến nghị.

Chu Khôi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn