Đề xuất 3 Bộ bắt tay hỗ trợ thanh long Việt
- Thứ ba - 12/08/2014 10:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) với phóng viên Dân Việt về những cơ hội và thách thức của trái thanh long Việt Nam.
Cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi khắt khe
Thời gian qua, diện tích trồng thanh long tăng nhanh, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố cộng với việc một số quốc gia và vùng lãnh thổ cũng bắt đầu xúc tiến trồng thanh long đã đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển loại cây ăn trái lợi thế này.
Thanh long Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt do nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu trồng. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích thanh long ồ ạt, không theo quy hoạch như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh phát tán nhanh, ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng chất lượng trái và cũng đồng nghĩa ảnh hưởng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới khi thị trường các nước đòi hỏi nghiêm ngặt hơn.
“Tôi cho rằng thanh long Việt đang ngày càng khẳng định được thương hiệu, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, do đó việc một số nước bắt đầu trồng thanh long sẽ gia tăng tính cạnh tranh đối với Việt Nam. Đó là động lực để chúng ta tổ chức sản xuất và XK tốt hơn nữa”. Ông Nguyễn Xuân Hồng -Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT). |
Thanh long Việt Nam muốn xuất khẩu (XK) được và muốn có giá trị cao cần vượt qua hàng rào về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Đây là hai yêu cầu khắt khe từ các bạn hàng khó tính, chúng ta phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của quốc gia họ đưa ra, ví dụ họ đưa ra mức tối đa cho phép của các hoạt chất, nếu mình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất mà để lại dư lượng vượt quá tiêu chuẩn của họ, các nước nhập khẩu (NK) sẽ phát hiện ra và tiêu hủy hoặc trả hàng lại. Các nước NK kiểm soát mấy trăm hoạt chất, đồng thời yêu cầu mình phải kiểm soát sản phẩm trước khi nhập sang nước họ.
Còn về hàng rào kiểm dịch, các nước NK cũng đòi hỏi rất khắt khe, mỗi nước có một yêu cầu kiểm dịch khác nhau bắt buộc mình phải cam kết đáp ứng đúng theo yêu cầu của họ, ví dụ để thanh long xuất sang Mỹ, các nhà sản xuất, XK đã phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt do Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đề ra, bất kỳ lô hàng nào NK vào nước này đều phải qua khâu xử lý chiếu xạ để đảm bảo loại trừ sâu bệnh. Còn đối với thị trường Nhật, Hàn Quốc… họ yêu cầu phải xử lý bằng công nghệ hơi nước nóng để diệt sâu bệnh, côn trùng. Đó là rào cản kỹ thuật của từng quốc gia mà mình buộc phải tuân thủ.
Ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 trở lại đây xuất hiện dịch bệnh mới nổi, đó là bệnh đốm nâu trên thanh long, đây là một trong những khó khăn cho ngành sản xuất thanh long. Bệnh đốm nâu do một loại nấm xuất hiện trên cành hoa, quả, đây là một loại bệnh khó phòng trừ, đến nay chưa xác định được loại thuốc nào có hiệu quả cao với loại bệnh này. Bệnh đốm nâu thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, có những vùng trồng thanh long có khoảng 20-30% diện tích bị bệnh này, đốm nâu khiến cho năng suất cây trồng giảm đi rõ rệt, chất lượng và hình thức của quả thanh long bị giảm xuống, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu thanh long, đây là một trong những khó khăn của ngành sản xuất thanh long.
Thực tế, dịch bệnh này đã ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng trái thanh long, số diện tích thanh long bị bệnh đốm nâu và lây lan nhanh chủ yếu xuất phát ở những vườn thanh long không sản xuất theo quy trình GAP. Ðến cuối tháng 12.2013, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm trắng ở Bình Thuận là 1.266 ha, Tiền Giang gần 1.500 ha và Long An 800 ha, gây thiệt hại rất lớn cho người trồng.
Bắt buộc phải theo chuẩn VietGAP
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) khuyến cáo bà con không lạm dụng thuốc BVTV trong phòng chống dịch bệnh, thay vào đó nông dân cần sử dụng các biện pháp canh tác, chăm sóc, tưới, bón phân cân đối giữ cho thanh long thông thoáng, sử dụng phương pháp bọc trái để hạn chế chấn thương do côn trùng, dịch bệnh. Quan trọng hơn, hướng đi bắt buộc cho thanh long hiện nay là cần phải tập trung chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Ở thủ phủ thanh long Bình Thuận đã quy hoạch vùng sản xuất theo mô hình VietGAP khá lớn với diện tích năm 2013 đạt trên 7.300 ha.
Các địa phương, đặc biệt là Bình Thuận đã có rất nhiều cố gắng, nhiều sáng kiến trong việc tuyên truyền để nhân rộng những mô hình sản xuất thanh long theo mô hình VietGAP và hạn chế sử dụng thuốc BVTV, sử dụng các loại phân bón thân thiện môi trường, nông dân trồng thanh long ở nơi này được coi là nghệ nhân. Đối với các tỉnh Tiền Giang, Long An đang triển khai xây dựng các mô hình sản xuất thanh long VietGAP, mặc dù quy mô còn nhỏ lẻ nhưng các địa phương nhận thức rõ ràng sự cần thiết phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, các vấn đề phòng chống dịch bệnh, đây là yếu tố tiên quyết để quyết định vấn đề XK.
Để đáp ứng hai yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, bà con nông dân phải thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất theo hướng VietGAP, đấy là hướng đi bền vững. Trên thực tế Việt Nam cũng đã xuất khẩu đi được những nước khó tính nhất, điều đó chứng tỏ mình đã đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Bây giờ điều quan trọng là mình tổ chức sản xuất như thế nào để đảm bảo chất lượng, để sản xuất nhiều hơn, XK nhiều hơn, khả năng cạnh tranh tốt hơn, đem lại giá trị cao hơn cho nông dân.
Bên cạnh đó chúng ta cần quảng bá tốt hình ảnh thanh long Việt Nam tại các nước NK, về vấn đề này Cục BVTV đề xuất cần có sự phối hợp giữa Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để đưa hình ảnh trái thanh long Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới, quảng bá thương hiệu thanh long để nhiều người biết, nhiều người mua, nhiều người sử dụng, để trái thanh long trở thành thương hiệu đi khắp thế giới. Việc quảng bá thương hiệu là yếu tố rất quang trọng, thị trường sẽ là động lực để cho mô hình sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP lan rộng khắp các vùng trồng thanh long nói riêng và trái cây nói chung.
“Vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp cần phải được phát huy nhiều hơn nữa, họ cần gia tăng quảng bá hình ảnh thương hiệu thanh long Việt, đem lại lòng tin vững chắc cho đối tác. Trong công tác quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp và người sản xuất biết được những quy định về an toàn thực phẩm và kiểm định thực vật của các nước NK. Còn nông dân, cần tuân thủ nghiệm ngặt quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Theo Dân Việt