Dự án nâng cao giá trị cá tra

Dự án nâng cao giá trị cá tra
EU vừa có dự án hỗ trợ trực tiếp cho toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra tại VN (dự án Supa). DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) xung quanh dự án này.
Theo ông Hòe, hiện có khoảng 2.900 ha vùng nuôi cá tra được chứng nhận bởi các chứng nhận bền vững khác nhau, trong đó có 50 nhà máy chế biến được tổ chức Global G.A.P chứng nhận. 21 DN được chứng nhận ASC cho trại nuôi và 8 nhà máy chế biến đã được công nhận cho cả trại nuôi và nhà máy chế biến.
- Ông có thể nói rõ hơn về dự án Supa này?
Đây là dự án phối hợp giữa Trung tâm Sản xuất sạch hơn VN (VNCPC) và Vasep với Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên VN và Áo (WWF VN và WWF Áo). Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại VN - Supa” được triển khai trong 4 năm từ 2013 - 2017, tổng kinh phí gần 2,4 triệu Euro (tương đương hơn 64 tỉ đồng). Trong đó Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ khoảng 1,9 triệu Euro thông qua chương trình EU Switch - Asia, chiếm khoảng 80% tổng ngân sách của dự án này.
Sẽ có ít nhất 50% số DN tham gia dự án được cung ứng các sản phẩm bền vững.
Dự án tập trung vào các hoạt động chính như nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí trong sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận sử dụng tài nguyên có hiệu quả và sản xuất sạch hơn. Cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các DNNVV, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như Global GAP, ASC hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh cả ngành hàng cá tra trên thị trường thế giới.
Kết thúc dự án, mục tiêu sẽ có ít nhất 70% các DN sản xuất và chế biến cá tra ở quy mô từ trung bình tới lớn, 30% các nhà sản xuất thức ăn chăn nôi quy mô nhỏ độc lập chủ động thực hiện phương pháp sản xuất sạch. Thêm vào đó, sẽ có ít nhất 50% trong số các DN tham gia dự án sẽ được cung ứng các sản phẩm bền vững phù hợp các tiêu chuẩn như ASC cho thị trường Châu Âu và các thị trường khác.
- Vậy DN chế biến cá tra XK khi tham gia dự án này được hưởng quyền lợi gì, thưa ông?
Các nhà NK cho rằng cá tra chỉ có thể có giá cao nếu đạt chất lượng tốt và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường lớn hơn nhiều so với nguồn cung ứng. Chính vì vậy mà dự án cũng sẽ nâng cao, hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy thực hành bền vững cho DN trong hoạt động sản xuất và chế biến cá tra. Trong đó chú trọng việc đào tạo cải tiến thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm, thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản dựa trên chuỗi hành trình sản phẩm đạt tiêu chuẩn ASC và tiêu chuẩn Global GAP.
Hiện nay nhiều nhà nhập khẩu đều cho rằng họ đặc biệt quan tâm tới sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC, Global GAP… và muốn có nguồn cung sản phẩm này. Chính vì vậy mà từ cuối tháng 12/2012 đến nay, một số nhà bán lẻ tại năm nước Đức, Áo, Hà Lan, Anh và Italia đã tạm ngưng nhập thêm cá tra philê từ các nhà nhập khẩu để chuẩn bị việc bán cá có chứng nhận ASC. Theo tôi, đây là cơ hội “vàng” để các DN VN tiếp tục mở rộng ra các nước Châu Âu khác và giá bán cũng sẽ được cải thiện hơn.

- Xin cảm ơn ông!

SUPA không chỉ hỗ trợ ngành cá tra tiếp cận theo chuỗi cung ứng mà còn áp dụng cách thức “đẩy” - “kéo” cho hoạt động sản xuất trong nước bền vững, thúc đẩy thị trường. Đặc biệt, SUPA có sự tham gia của hầu hết các bên liên quan đến ngành cá tra từ người nuôi, DN, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, nhà máy chế biến đến truyền thông, tổ chức phi chính phủ…

Cụ thể với người nuôi cá, dự án sẽ xây dựng trang trại mẫu giúp người nuôi tiếp cận khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí hiệu quả. Một trung tâm đào tạo được thành lập tại ĐH Cần Thơ để tập huấn kỹ thuật nuôi cá, quản lý chất lượng và thu thập thông tin thị trường cá tra cho nông dân. Đặc biệt, nông dân được hướng dẫn kỹ năng đàm phán (giá bán, hợp đồng), xúc tiến thương mại và tự bán cho nhà nhập khẩu với giá cao, lợi nhuận ổn định.

Đối với DN VN, sẽ có các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quốc tế để thúc đẩy tiêu dùng cá tra tại châu Âu bằng gian hàng riêng, tăng cường truyền thông đến người tiêu dùng. EU và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên của Áo (WWF) sẽ nghiên cứu và thông tin về thị trường EU cung cấp cho DN. WWF - Áo cũng tư vấn cho DN cách thực hiện để đạt các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP/ACC, Global GA… ĐH Kỹ thuật Delft (Hà Lan) hỗ trợ về công nghệ chế biến phụ phẩm cá tra, đa dạng sản phẩm cá tra và thiết lập đầu ra.

 

Nguồn: Vietfish.org