Đừng để người làm nông nghiệp cô đơn
- Chủ nhật - 30/09/2018 22:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tự thân vận động
Khó khăn, vấp ngã và cả sự cô đơn là những điểm chung mà nhiều người làm nông nghiệp chia sẻ với phóng viên về hành trình họ đến với nông nghiệp.
Khó khăn trong tiếp cận vốn là một trong những căn nguyên cô đơn của người làm nông nghiệp (Ảnh: Hồng Quang) |
Sau khi dự án rau hữu cơ thất bại cùng món nợ 3 tỉ đồng, anh Phạm Văn Hát (thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) vẫn quyết tâm bám trụ với nông nghiệp và lần này anh mò mẫm chế tạo máy nông nghiệp.
Anh Hát cũng nếm trải nỗi cô đơn như bao người làm nông nghiệp khác khi ý tưởng chế tạo máy nông nghiệp của anh không được gia đình ủng hộ.
Bản thân anh từng lang thang vài tháng ở chợ Trời (Hà Nội) để tìm kiếm thiết bị cho máy đặt hạt rau và phải mất hai năm vừa mày mò, vừa cải tiến, anh Hát mới chế tạo thành công máy đặt hạt rau và một số máy nông nghiệp khác.
Với trình độ lớp 7, nông dân Phạm Văn Hát đã chế tạo thành công nhiều máy nông nghiệp như máy đánh luống, máy thu hoạch rau, máy trồng ngô, đỗ và lạc… Đặc biệt, máy đặt hạt rau và máy phun thuốc trừ sâu do anh chế tạo được xuất đi 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dù chưa thành công vang dội như anh Hát, hai bạn trẻ Phạm Ngọc Anh Tùng và Lê Lan Anh cũng đã dành nhiều tâm huyết cho nông nghiệp - một ngành vốn khó làm và đầy rủi ro.
Phạm Ngọc Anh Tùng (TP Hồ Chí Minh) đã bỏ đại học để theo đuổi dự án công nghệ thông tin và sau đó đi đến quyết định thành lập startup nông nghiệp thông minh Demeter (Công ty TNHH Công nghệ UFO tại TP HCM).
Còn Lê Lan Anh (quận Thủ Đức, TP HCM) từ bỏ cả công việc kiểm toán với mức thu nhập hàng nghìn USD/tháng tại Singapore để cùng cộng sự phát triển Công ty nông nghiệp chính xác Mimosatek tại TP HCM.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn từ thiếu vốn, nhân lực, "định vị" sản phẩm phù hợp với thị trường... họ cũng đều trải qua cảm giác cô đơn trong nông nghiệp. Sau quãng thời gian 2 - 3 năm xắn quần lội ruộng làm nông dân, họ đã có những sản phẩm được thị trường đón nhận.
Khó tiếp cận vốn tín dụng
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ở Việt Nam nông nghiệp là ngành có lợi thế hơn hẳn so với các ngành khác. Tuy nhiên, mức hỗ trợ người làm nông nghiệp ở Việt Nam là rất thấp, chỉ 7%, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ thủy lợi. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 20%, còn tại Hàn Quốc và Nhật Bản là 60% đến 70%.
Gần đây đã có nét mới trong hỗ trợ tín dụng nông nghiệp khi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ban hành ngày 17/4/2018 cho phép nhà đầu tư nông nghiệp, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sử dụng các công trình xây dựng trên đất (bao gồm nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thủy lợi) làm tài sản thế chấp để vay vốn.
Tuy nhiên, cùng với Nghị định số 57 và 2 chính sách hỗ trợ vay vốn khác (gồm Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 55), thì vốn vẫn là bài toán khó giải, khiến không ít hợp tác xã thủy sản trở nên cô đơn.
Bởi lẽ theo Nghị định số 55, mức vay vốn tối đa không cần tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản là 2 tỷ đồng. Mức vay này được cho là chẳng thấm vào đâu để đầu tư một hợp tác xã nuôi trồng thủy sản có quy mô.
Không những thế, để vay vốn theo Nghị định số 55, đối tượng vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (áp dụng cho đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
Theo ông Lê Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Thủy sản Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, Hải Dương), vướng mắc lớn nhất nằm ở khâu công nhận tài sản trên đất cho HTX, để HTX có thể dùng công nhận tài sản đó làm thế chấp vay vốn ngân hàng.
HXT Xuyên Việt đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào nuôi trồng thủy sản nhưng rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất. “Đây là nguyên nhân khiến cho các hợp tác xã như Xuyên Việt nhỏ đi và cô đơn,” ông Việt bộc bạch.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, khó khăn tiếp cận vay vốn của HTX thủy sản cũng là khó khăn chung trong tiếp cận tín dụng nông nghiệp mà chưa được giải quyết được triệt để.
Ông Thành cho rằng, đối với các công trình bất động sản hay công trình hiện rõ trên đất thì việc tiếp cận vay vốn bằng tài sản thế chấp là có khả thi, tuy nhiên giá trị các công trình này thường không lớn nên quy mô vốn vay rất nhỏ.
Trong câu chuyện vay vốn của HTX thủy sản, thì nút thắt nằm ở việc xác định tài sản thế chấp trên đất. Trong lĩnh vực thủy sản thì tài sản nằm ở vật nuôi là chính và rủi ro rất cao, do đó rất khó cho các ngân hàng đánh giá, thẩm định cho vay vốn, ông Thành phân tích.
Cần tránh áp đặt "tư duy hành chính” vào chính sách nông nghiệp
Vẫn là cô đơn, nhưng sự cô đơn của người làm nông nghiệp hữu cơ còn tăng lên gấp bội.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ được ban hành cuối tháng 8/2018 không chỉ ra những nét mới trong hỗ trợ chuyển đổi sản xuất thông thường sang hữu cơ, bởi nhiều quy định về hỗ trợ tín dụng, đào tạo, khuyến nông vẫn theo các quy định cũ được ban hành trước đó.
Trong khi đó, chi phí làm nông nghiệp hữu cơ cao hơn cả chục lần so với nông nghiệp thông thường, cá biệt như chi phí làm cỏ của một doanh nghiệp trồng rau hữu cơ ở Hà Nội cao gấp 50 lần so với trồng rau phi hữu cơ, bà Minh cho biết.
Sự cô đơn của người làm nông nghiệp hữu cơ là rất rõ. Nhiều hội viên của Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch phải dốc vốn của cá nhân, của gia đình để làm nông nghiệp hữu cơ, thậm chí vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình.
“Họ rất khát vốn và loay hoay tiếp cận vốn không nổi, trong khi cơ chế hỗ trợ vay vốn vẫn khiêm tốn, ở mức vài trăm triệu đồng đối với các hộ, hay 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã và chủ trang trại,” bà Minh nói.
Không những thế, người làm nông nghiệp hữu cơ rất cần hỗ trợ trong thời gian chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang hữu cơ.
Bà Minh cho hay, một hội viên là doanh nghiệp sản xuất rau hữu cơ ở Hà Nội cho biết, quãng thời gian chuyển đổi sang hữu cơ và ổn định sản xuất phải mất tới 3 năm, bởi phải mất thời gian để vận hành kỹ thuật canh tác, vận hành mô hình quản trị, tiếp thị bán hàng…
Hay mô hình trồng cam sinh thái của một hội viên khác cũng mất tới 10 năm để chuyển sang mô hình sản xuất hữu cơ, vậy “họ sống bằng gì, ai hỗ trợ họ trong thời gian chuyển đổi sang hữu cơ dài như vậy”, bà Minh lo ngại.
Theo bà Minh, để giải quyết nỗi cô đơn của người làm nông nghiệp và để người làm nông nghiệp chuyển đổi sang hữu cơ thành công, cần tránh áp đặt "tư duy hành chính” vào chính sách nông nghiệp, bởi thị trường hiện nay là thị trường mở, không biên giới.
Một số mô hình nông nghiệp thành công ở Việt Nam đều có bóng dáng hỗ trợ của tổ chức nước ngoài, đặc biệt là phía Đan Mạch. Tuy nhiên, hỗ trợ nước ngoài thường tập trung vào những mô hình nhỏ và không thể kéo dài mãi. Do đó, rất cần bàn tay bà đỡ tiếp theo của nhà nước, đại gia nông nghiệp hay tổ chức cộng đồng khác… để nhân rộng và tiếp tục phát triển các mô hình nông nghiệp đó./.
Theo Hồng Quang/vov.vn