Giải pháp căn cơ cho tiêu thụ nông sản

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, nhiều mặt hàng nông sản rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất lẫn kinh doanh. Ðiều đáng nói, hiện tượng này xảy ra như cơm bữa, gần đây nhất là tình trạng củ cải tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, đến kỳ thu hoạch được người dân bỏ trắng đồng. Thậm chí để canh tác rau màu khác, nhiều nhà phải thuê người nhổ củ cải chở đi nơi khác đổ. Không chỉ Hà Nội, các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi... nhiều mặt hàng rau, màu cũng rơi vào cảnh tương tự, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Tình trạng nông sản dồn ứ không tiêu thụ được ở trong nước và ngay cả cửa khẩu biên giới phía bắc không còn mới, hầu như năm nào cũng xảy ra. Ðây là hậu quả tất yếu của sự quản lý, điều hành yếu kém của các cơ quan chức năng thuộc ngành nông nghiệp, của việc duy trì một nền sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch, thiếu liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ. Với Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản mới được tổ chức, sắp xếp lại, nhưng hoạt động kém hiệu quả, vẫn theo kiểu “bình mới rượu cũ”, để thị trường phụ thuộc vào thương lái, dẫn đến tình trạng thương lái ép giá, nhất là các mặt hàng tươi sống. Ðể khi xảy ra tình trạng nông sản dư thừa, lại trông chờ vào lòng tốt của người tiêu dùng, thông qua các chiến dịch “giải cứu” từ dưa hấu, đến thanh long, rồi thịt lợn, mía đường và nay là củ cải, su hào,…

Thiết nghĩ muốn tự cứu mình, người dân trước khi “trồng cây gì, nuôi con gì” cần phải hình thành thói quen tìm thị trường, hoặc tìm các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tự trang bị những kiến thức cần thiết về thị trường, cũng như thông tin về vấn đề quy hoạch các đối tượng sản xuất. Về phía các cơ quan chức năng, để chấm dứt tình trạng “được mùa, mất giá” cần phải nắm chắc thông tin về các loại nông sản để điều chỉnh mùa vụ hợp lý, từ đó có sự hỗ trợ, định hướng giúp người dân lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, phải hỗ trợ người dân hình thành mối liên kết bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia cùng phát triển bền vững.

Theo Hoàng Anh Thư/nhandan.com.vn