'Gỡ vướng' về cơ chế, chính sách trong giải ngân vốn đầu tư

Theo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, những vướng mắc về cơ chế, chính sách hiện đang ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư trong năm 2016.
Không ít vướng mắc từ cơ chế, chính sách khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư chậm. Nguồn: FinancePlus.vn

"Vướng" vì cơ chế, chính sách

Số liệu thống kê của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tính đến hết ngày 31/8/2016 cho thấy, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân qua hệ thống KBNN đạt 139.868 tỷ đồng, tương đương 42,9 % kế hoạch vốn năm 2016 Nhà nước giao năm 2016.

Thống kê cũng cho thấy, tại một số địa phương chủ dự án đã làm thủ tục đề nghị xác nhận vốn ODA nhưng tỷ lệ xác nhận vốn ODA đạt thấp như: Hưng Yên: 2.040/227.100 triệu đồng; Đăk Lăk: 34.397/400.000 triệu đồng. Tại một số địa phương, chủ dự án chưa làm thủ tục kiểm soát, xác nhận vốn ODA tại KBNN như: Vĩnh Long (kế hoạch 44 tỷ đồng), Bắc Ninh (kế hoạch 112 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó, còn một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp, dưới 35% kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 như: Khánh Hòa 30,6%; Vĩnh Long 33%; Bạc Liêu 33,7%...

Số liệu tính đến ngày 31/8/2016 cũng cho thấy, không ít Bộ, ngành, đơn vị có tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư thấp (dưới 20% kế hoạch vốn năm 2016 KBNN nhận được) như: Bộ Giáo dục và Đào tạo: 9,8%; Bộ Y tế 12%; Bộ Ngoại giao 12,9%... Thậm chí, đến nay vẫn có những đơn vị chưa thực hiện giải ngân như: Hội chữ thập đỏ: 0%; Liên hiệp Ủy ban toàn quốc Hội Văn học Nghệ thuật 0%...

Theo đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư, thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến cho tiến độ giải ngân chậm bởi không ít những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, khiến các bên đều lúng túng khi thực hiện.

Các vướng mắc thường tập trung chủ yếu ở việc phân bổ kế hoạch vốn, thời gian hoàn tất thủ tục hồ sơ, báo cáo số liệu ghi thu - ghi chi, quy trình thanh toán vốn ODA theo cam kết quốc tế, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư...

Tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong những tháng còn lại của năm 2016, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016, mới đây, KBNN đã kiến nghị một số biện pháp nhằm tháo gỡ một sổ vướng mắc về cơ chế chỉnh sách liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư.

Theo đó, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, KBNN đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản chế độ hướng dẫn cơ chế quản lý chi phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Về thời gian phê duyệt quyết định đầu tư đối với các dự án khởi công mới, KBNN đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng cho phép các dự án khởi công mới (đầu tư từ nguồn thu như: xổ số kiến thiết, nguồn vốn quảng cáo truyền hình... hoặc từ nguồn dự phòng) được thanh toán khi có quyết định đầu tư phê duyệt sau ngày 31/3/2016.

Về thanh toán chi phí Ban quản lý dự án, KBNN đề nghị Bộ Tài chính trong khi chưa bổ sung, sửa đổi Thông tư số 05/2014/TT-BTC, cần ban hành công văn hướng dẫn những nội dung mới về thanh toán chi phí Ban quản lý dự án cho phù hợp với mô hình quản lý dự án theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định hướng dẫn để các đơn vị có cơ sở thực hiện.

Bên cạnh đó, KBNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/2014/TT-BTC nhằm giúp các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.

PV.
theo Finance Plus