Hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã: Từ chính sách đến thực tế còn xa

Các HTX là một bộ phận quan trọng của xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, được hỗ trợ vốn từ các chính sách ưu đãi; nhưng con đường từ chính sách tới thực tế thụ hưởng còn nhiều gian nan. Bên cạnh đó, nội lực về vốn tại các HTX cũng rất yếu.
Kho bảo quản lúa của HTX Hòa Quang Nam đã xuống cấp, HTX không biết khi nào nâng cấp được khi mà nguồn vốn theo Quyết định 2261 không có, còn vốn nông thôn mới thì chưa biết có được duyệt không - Ảnh: MINH DUYÊN

Vốn chính sách khó giải ngân

 

Từ năm 2016 đến nay, các HTX trông chờ nhiều vào nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020. Đến nay, hơn 2 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực (tháng 12/2014), nhưng các HTX vẫn chưa thấy vốn. Ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho biết: Sản phẩm lúa giống Hòa Quang Nam đã có mặt trên thị trường nhiều năm nay, HTX đã tổ chức tốt các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Sau nhiều năm, trang thiết bị cho chế biến lúa giống đã xuống cấp, HTX rất cần vốn để đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại. Quyết định 2261 có hiệu lực có thể giúp HTX vốn đầu tư trang thiết bị, nhưng đến nay vẫn không thấy vốn.

 

Còn ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Căn cứ trên đề xuất của các HTX, địa phương đã xây dựng kế hoạch khoảng 37 tỉ đồng cho các HTX xây mới, nâng cấp trụ sở và hiện đại hóa trang thiết bị máy móc theo danh mục hỗ trợ của Quyết định 2261 nhưng hơn 1 năm nay, địa phương cũng chưa thấy vốn.

 

Theo Sở KH-ĐT Phú Yên, vốn hỗ trợ từ Quyết định 2261 của Chính phủ chưa bố trí được nguồn. Từ năm 2017, việc hỗ trợ các HTX lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với tiêu chí 13 về tổ chức hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương đều đã được duyệt danh mục xây dựng nông thôn mới và không có danh mục nào cho HTX. Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, tại thị xã, các danh mục vốn triển khai xây dựng nông thôn mới đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn khoảng 10 tỉ đồng, trong đó không có mục nào dành riêng cho HTX. Giờ muốn “bóc tách” cho HTX, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể… Hiện chưa có văn bản hướng dẫn nên địa phương vẫn chờ và chưa thể phân bổ cho HTX.

 

Rà soát lại nguồn vốn hỗ trợ hàng năm cho HTX, đến nay các HTX còn vốn từ quỹ quốc gia về giải quyết việc làm chưa giải ngân hết, nhưng làm thế nào để thụ hưởng thì vẫn chưa có câu trả lời. Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, các HTX còn hơn 500 triệu đồng thuộc vốn quỹ quốc gia về giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh chưa được giải ngân. Đơn vị đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, đơn vị quản lý nguồn vốn này thì được biết do các HTX không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nên không tiếp cận được.

 

Vốn hiện có ít

 

Những nguồn vốn được cho là nội lực của các HTX như vốn điều lệ, vốn tích lũy… thì trong tình trạng không đủ lớn để sản xuất kinh doanh hoặc quá ít để chia lãi. Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, tại các HTX, vốn điều lệ hình thành từ vốn góp thành viên. Hiện các HTX có gần 141.000 thành viên, nhưng số thành viên tham gia góp vốn chỉ chiếm 50-70%. Còn vốn tích lũy hình thành chủ yếu từ lãi trong quá trình sản xuất kinh doanh hàng năm cũng không đủ để mở thêm dịch vụ. Đồng thời, vốn của HTX nằm trong nợ đọng cũng chiếm gần 50%.

 

Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa), cho biết: Hơn chục năm nay, HTX tích lũy được gần 260 triệu đồng. HTX có kế hoạch mở dịch vụ vật tư nông nghiệp nhưng số vốn này không thấm vào đâu, nên đành để lũy kế trong sổ sách.

 

Tại buổi khảo sát về hoạt động của các HTX theo Luật HTX 2012 do Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên chủ trì, nghe các địa phương báo cáo về vốn góp thành viên, ông Trần Thiện Kim, Phó Giám đốc sở này, bày tỏ: Phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh, mỗi thành viên góp vốn chỉ từ vài chục ngàn đồng, vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng để hình thành vốn điều lệ vài trăm triệu đồng; số HTX có vốn điều lệ hơn 1 tỉ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. So với số vốn hàng trăm tỉ của các doanh nghiệp hiện nay thì các HTX gặp khó khi cạnh tranh trên thị trường.

 

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, cho biết: Vốn hoạt động của HTX hình thành từ vốn tích lũy, vốn điều lệ, vốn chính sách… Hiện 190 HTX trên địa bàn tỉnh đều có vốn hoạt động, tuy nhiên số vốn không lớn và không tạo nền tảng giúp HTX bứt phá trong phát triển kinh tế. Nguyên nhân do HTX không đủ điều kiện để thụ hưởng vốn chính sách cũng như tiềm năng để huy động vốn góp từ thành viên và đối tác. Chính vì vậy, các HTX rất cần sự đồng hành của các cấp, ngành liên quan để HTX tự lực vươn lên, hòa nhập vào nền kinh tế thị trường và trở thành chỗ dựa tin cậy cho kinh tế hộ.

 

Theo MINH DUYÊN/baophuyen.com.vn